Vùng cao sẵn sàng cho năm học mới

Duy trì được sĩ số học sinh, tăng tỷ lệ học chuyên cần trong năm học ở các trường vùng cao đã khó khăn, việc vận động học sinh đến trường sau hè còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, với nỗ lực của các thầy cô giáo cùng sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể, đến nay cơ sở vật chất đã sẵn sàng, việc huy động học sinh đến trường đã được rốt ráo thực hiện ngay từ những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8.

Cơ sở vật chất sẵn sàng

Thầy giáo Trần Văn Thùy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Bàn (Lào Cai) chia sẻ: Năm học 2015 - 2016, huyện Văn Bàn có trên 20.500 học sinh, tăng khoảng 500 em so với năm học trước. Ngay từ đầu tháng 8, các trường đã kiểm tra số lượng sách, vở đảm bảo đủ cho học sinh, tích cực vận động các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm quyên góp sách, vở cho học sinh. Để đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới, trong dịp hè 2015, các trường phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã, tiến hành rà soát và tu sửa phòng học, phòng bán trú, nhà công vụ cho giáo viên, đẩy nhanh tiến độ thi công một số điểm trường. Mặc dù bậc tiểu học còn trên 70 phòng học tạm (chiếm 28%) và bậc mầm non còn trên 30 phòng học tạm (chiếm gần 10%), nhưng cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Thầy cô giáo trường tiểu học bán trú Chung Chải và phụ huynh học sinh vệ sinh trường lớp, chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: Phạm Khiêm



Chỉ được nghỉ hè khoảng 1 tháng, ngay từ giữa tháng 7, các thầy cô giáo trường tiểu học bán trú Chung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) đã có mặt để huy động phụ huynh học sinh sửa sang lại phòng học, nhà bán trú và vệ sinh khuôn viên trường, lớp để sẵn sàng đón học sinh từ ngày 15/8. “Cơ sở vật chất thì đã ổn, nhưng lo nhất là sách giáo khoa cho học sinh năm nay, nhất là con hộ nghèo, bởi theo quy định, bắt đầu từ năm học 2015 - 2016, học sinh không được hỗ trợ sách giáo khoa nữa. Tuy nhiên, chúng tôi đã chủ động xin lại sách giáo khoa của học sinh năm trước để phát lại, nhưng cũng chỉ đảm bảo được 30% sách giáo khoa cho học sinh”, thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng trường tiểu học bán trú Chung Chải cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Hải, Phó Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mường Nhé cho biết: Năm học 2015 - 2016, huyện Mường Nhé dự kiến có khoảng trên 12.000 học sinh của 3 cấp học. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngay sau khi kết thúc năm học 2014 - 2015, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường tiến hành rà soát cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học và triển khai xây dựng một số phòng học mới. Đồng thời, Phòng cũng phối hợp với chính quyền, nhân dân và các lực lượng đóng chân trên địa bàn sửa chữa nâng cấp một số phòng học tạm nhằm đảm bảo có đủ phòng học phục vụ năm học mới, nhất quyết không để xảy ra tình trạng thiếu phòng học làm ảnh hưởng chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Tích cực vận động học sinh ra lớp

Trong những năm gần đây, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần ở các trường ở vùng cao đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là ở một số trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, dịp đầu năm học mới, công tác huy động học sinh ra lớp ở một số trường vùng cao vẫn là vấn đề nan giải. Lý do vì sau kỳ nghỉ hè, nhiều học sinh vùng cao có tâm lý “ngại” ra lớp.

Giáo viên trường tiểu học bán trú Chung Chải phối hợp với hội phụ nữ đi vận động học sinh đến trường. Ảnh: Phạm Khiêm



Công việc vận động học sinh cũng được trường tiểu học bán trú Chung Chải triển khai làm 2 đợt: Đợt 1 từ 27 - 31/7, đợt 2, từ 6 - 10/8. “Chúng tôi đã thông báo lịch học tới tất cả các thôn, bản, đồng thời, phân công mỗi bản 3 giáo viên phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể, trưởng thôn, bản và người có uy tín đến từng nhà vận động học sinh đến lớp đúng độ tuổi và đúng ngày. Cũng trong các đợt vận động này, chúng tôi đã phối hợp với trưởng thôn, bản tổ chức nhiều cuộc họp dân để tuyên truyền vận động các phụ huynh cho con em đến trường đúng lịch, đúng độ tuổi. Đồng thời, tuyên truyền về các chính sách hỗ trợ học sinh để các phụ huynh nắm được”, thầy Khiêm chia sẻ.

Cô giáo Đinh Thị Thoan, trường phổ thông cơ sở huyện Mường Khương (Lào Cai) kể, thường thì sau kỳ nghỉ hè, học sinh lại không đi học, các thầy, cô giáo lại lặn lội đến từng nhà vận động và đón học sinh đến lớp. Giáo viên cùng ăn, cùng ở cùng lên rừng hái măng, bắt cá suối với bà con dân bản. Mọi người vẫn ví von việc vận động giống như là đi “săn” học trò. Vất vả, nhưng ngày khai giảng thấy các em tựu trường đông đủ chúng tôi rất vui.

Cũng chính nhờ sự chủ động trong việc vận động học sinh, nên nhiều năm nay tỷ lệ học sinh đến trường sau hè của trường tiểu học bán trú Chung Chải luôn đạt trên 90%. “Ngày 17/8 tới là ngày học đầu tiên của năm học mới, khi đó chúng tôi sẽ nắm được chính xác sĩ số học sinh. Nếu còn em nào chưa đến trường, chúng tôi sẽ tiếp tục đến tận nhà để vận động. Thông thường, phải khai giảng xong thì học sinh đến trường mới đầy đủ”, thày Khiêm cho biết.

Trọng Thủy
Vận động học sinh 'hạ sơn' sau Tết
Vận động học sinh 'hạ sơn' sau Tết

Sau kỳ nghỉ Tết Ất Mùi, các thầy cô lại phải tỏa đi khắp các thôn, bản để thuyết phục học sinh “hạ sơn” đến trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN