Nắm bắt cơ hội đột phá từ ngoại giao khoa học và công nghệ

Trong 7 nhiệm vụ được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, nhiệm vụ thứ 7 là: Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Hiện thực hoá nhiệm vụ trên, ngoại giao khoa học và công nghệ đã và đang được nhiều Bộ, ngành, lĩnh vực triển khai. 

Chú thích ảnh
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Youngbag ViiNa khu Công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh minh họa: TTXVN

Đưa tri thức khoa học công nghệ về Việt Nam

Với giải pháp cụ thể được nêu tại Nghị quyết 57, các Bộ, ngành đơn vị đã và đang tập trung đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với các quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ, chuyển đổi số phát triển, đồng thời từng bước thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thoả thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

Trong hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu cho Chính phủ, đề xuất và thúc đẩy quá trình này. Qua đó, nhiều giải pháp khoa học và công nghệ mang tính đột phá từ những cường quốc trên thế giới, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Australia... đã được chuyển giao về Việt Nam. Nhiều tri thức khoa học và công nghệ mới được các nhà khoa học Việt Nam tiếp thu, ứng dụng và từng bước làm chủ được một số công nghệ tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu trong nước, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh; đồng thời, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiên cứu và quản lý của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ trong nước, tiếp cận trình độ quốc tế, góp phần nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất cho một số cơ sở nghiên cứu - triển khai trong nước.

Theo ông Lý Hoàng Tùng (Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ), Bộ đã thiết lập quan hệ hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với gần 70 tổ chức quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết hơn 150 điều ước quốc tế và 80 thỏa thuận quốc tế, trong đó gần 110 điều ước và 40 thỏa thuận còn hiệu lực. Bộ cũng đóng vai trò đầu mối triển khai các điều ước và thỏa thuận quốc tế, hợp tác đa phương với nhiều tổ chức quan trọng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO), tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu. Hoạt động hợp tác quốc tế được triển khai tích cực nhằm tranh thủ tri thức, kinh nghiệm, công nghệ, đào tạo nhân lực và hỗ trợ đầu tư, góp phần thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong nước.

Hình thức hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú, đi vào thực chất. Từ việc ký kết các điều ước, thỏa thuận hợp tác, mở rộng quan hệ theo “chiều rộng”, nước ta dần tiến tới giai đoạn triển khai cụ thể hóa và hiện thực hóa các nội dung trong các cam kết, thỏa thuận trên theo “chiều sâu”. Từ việc tổ chức các hội thảo khoa học, triển lãm công nghệ, trao đổi chuyên gia, tài liệu, thông tin khoa học, Việt Nam đã tiến tới triển khai những dự án nghiên cứu chung, chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu với sự hỗ trợ của chuyên gia nước đối tác.

Đánh giá về những thành tựu trong ngoại giao khoa học và công nghệ thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, qua trao đổi với các đối tác quốc tế và qua các hoạt động đối ngoại cấp cao, cộng đồng quốc tế bày tỏ rất ấn tượng và đánh giá cao tư duy, trí tuệ, chất lượng nguồn nhân lực, chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước ta xác định khoa học và công nghệ là yếu tố then chốt để tạo đột phá phát triển. Tất cả những yếu tố đó đã tạo đà cho sự phát triển của khoa học và công nghệ Việt Nam. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng bày tỏ tin tưởng cao vào quá trình chuyển đổi, thích ứng của nền kinh tế Việt Nam dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trên thực tế, các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Intel, Google, Samsung, LG đều cam kết mở rộng đầu tư ở Việt Nam.

Trong gần 60 hoạt động đối ngoại cấp cao của năm 2024, nội hàm khoa học công nghệ luôn được chú trọng hàng đầu. Thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao đã đạt nhiều kết quả tích cực, gây tiếng vang trong cộng đồng quốc tế; hỗ trợ kết nối các địa phương, doanh nghiệp, trường đại học trong nước với các đối tác quốc tế, huy động nguồn lực quốc tế cho phát triển công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhờ đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã có những thành tựu đáng kể. Trong xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam đứng thứ 44 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á. 

Nhiệm vụ trung tâm của ngoại giao kinh tế

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt, trong giai đoạn mới, với nhiều thách thức, đặc điểm tình hình mới, nhằm triển khai tốt công tác hợp tác và hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh triển khai các hiệp định và thỏa thuận hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, tối ưu hóa nguồn lực hiện có. Cùng với đó, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, phát triển ngành Halal, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ. 

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, và tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) yêu cầu Việt Nam cải thiện công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định xuất xứ. Để tận dụng tối đa cơ hội này, Việt Nam cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các tổ chức nghiên cứu; đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao như sản xuất sạch và bền vững.

Trong bối cảnh Đảng ta khẳng định chủ trương phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá quan trọng hàng đầu, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cho rằng, ngoại giao khoa học và công nghệ phải trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, các trường đại học, cơ sở đào tạo. Ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của ngành ngoại giao thì ngoại giao khoa học và công nghệ phải là nhiệm vụ trung tâm của ngoại giao kinh tế trong ngoại giao thời đại mới. Nghị quyết số 57-NQ/TW đã chỉ đạo quyết liệt hoàn thiện thể chế. Các Bộ, ngành trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước để tiếp tục đổi mới, cải cách, quyết liệt tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế trong nước, đưa thể chế thực sự trở thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Các Bộ, ngành cần hợp tác chặt chẽ để triển khai những giải pháp tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; trong đó có việc phối hợp triển khai hiệu quả các thoả thuận hợp tác đã ký kết với các các đối tác chiến lược như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và một số nước EU…; chú trọng các hoạt động hợp tác về nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, các ngành khoa học và công nghệ lõi, công nghệ nguồn.

Cùng với đó, thúc đẩy thiết lập các khuôn khổ đối tác mới về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa khoa học công nghệ trở thành trọng tâm trong các khuôn khổ đối tác; trong đó có các nền kinh tế khu vực Trung Đông, châu Âu…, các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, trọng tâm là công nghệ sinh học, năng lượng, môi trường, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, bán dẫn, công nghệ lượng tử, robot và tự động hóa... Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực quốc tế, các nguồn tài chính xanh, gắn với chuyển giao công nghệ; thu hút đầu tư vào các dự án trọng điểm, có tính dẫn dắt, lan tỏa, gắn với chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, nâng cao sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn toàn cầu.

Thu Phương (TTXVN)
Nghị quyết 57: Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển
Nghị quyết 57: Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển

Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được coi là Nghị quyết của hành động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN