Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn sẽ đến St. Petersburg (Nga) dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 9 tới như kế hoạch, nhưng ông sẽ không gặp song phương với người đồng cấp Putin, một quyết định được cho là phản ứng của Nhà Trắng trước việc Moscow vừa cho phép cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden cư trú tạm thời một năm tại Nga.
Ông Obama đã hủy cuộc gặp song phương với người đồng cấp Putin tại St. Petersburg. Ảnh: AP |
Quyết định hủy cuộc gặp riêng đã được lên kế hoạch từ trước với Tổng thống Vladimir Putin bên lề Hội nghị G-20 được ông Obama đưa ra trong chuyến đi tới Los Angeles (Mỹ) vào sáng 7/8 (theo giờ địa phương). Theo trợ lý Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes, Washington sẽ “tiếp tục làm việc với Nga trong những vấn đề chưa tìm được điểm chung, nhưng cả Tổng thống và nhóm cố vấn an ninh quốc gia đều nhất trí rằng, một cuộc gặp thượng đỉnh (song phương) sẽ không có nghĩa lý gì trong bối cảnh hiện tại”.
Trước đó, phát biểu trên kênh truyền hình NBC hôm 6/8, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, ông cảm thấy “thất vọng” trước việc Điện Kremlin cho phép Snowden cư trú tại Nga. Tuy vậy, người đứng đầu Nhà Trắng cũng để ngỏ một không gian mở cho quan hệ Nga - Mỹ khi nói rằng, “đã có đôi lần họ trở lại lối suy nghĩ, trạng thái tâm lý của thời Chiến tranh Lạnh. Tôi luôn nói với họ, với Tổng thống Putin rằng: Đó là quá khứ. Chúng ta phải nghĩ đến tương lai. Không có lý do gì chúng ta không thể hợp tác hiệu quả hơn”.
Trước mắt, Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel sẽ gặp hai người đồng cấp Nga Sergey Lavrov và Sergey Shoigu tại Washington vào ngày 9/8, theo cơ chế thảo luận “2+2”. Chương trình nghị sự sẽ bao gồm các vấn đề như Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới, hợp tác chính trị - quốc phòng song phương, các vấn đề khu vực liên quan đến tình hình Syria, Afghanistan, chương trình hạt nhân của Iran... Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối trả lời về khả năng đưa vụ Snowden ra thảo luận tại cuộc gặp, còn Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov thì khẳng định hai bên sẽ không đề cập đến nội dung này.
Giới phân tích nhận định, Mỹ và Nga không thể “từ nhau” chỉ vì vụ việc Snowden. Hành động của Nga hợp lý về mặt pháp luật, nhưng cũng được coi là chuẩn mực về mặt chính trị trên cơ sở “đo lường” chính xác các phản ứng và “lựa chọn chính sách ít ỏi” từ Washington. Ngay từ đầu, Tổng thống Putin đã khẳng định, quan hệ Mỹ - Nga quan trọng hơn bất kể một scandal tình báo nào và Moscow sẽ không làm điều gì hủy hoại mối quan hệ này. Người đứng đầu điện Kremlin cũng được nhìn nhận là luôn tách mình khỏi vụ Snowden và chỉ coi Nga là nạn nhân của một tình huống bất ngờ. Ngay cả khi đã cho Snowden tị nạn, Nga cũng cố gắng làm dịu căng thẳng với tuyên bố “việc tị nạn của Snowden không là vấn đề quá lớn để ảnh hưởng đến các quan hệ chính trị”.
Về phần mình, Mỹ hiện cũng rất cần Nga trong nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, như nhận định của Veronika Krashenninkova, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách và Sáng kiến đối ngoại tại Nga: Hai bên sẽ “không để quan hệ đi xuống dưới ngưỡng ấn định, vì Mỹ cần Nga nhiều hơn là Nga cần Mỹ” trong các vấn đề như Iran, Syria...
Xem ra, người chịu thiệt thòi lớn nhất lại là Edward Snowden. Tiền lệ từ trước đến nay đều cho thấy, những “kẻ đào tẩu”, “người lộ tin mật” hiếm khi có được cuộc sống yên ổn, hạnh phúc sau đó. Gần đây nhất là tấm gương của binh nhì Bradley Manning thuộc lục quân Mỹ, người đang đối mặt với mức án từ 90 - 136 năm tù vì tội làm lộ thông tin tình báo qua Wikileaks.
Hoài Thanh