Vụ rơi máy bay QZ8501 của Air Asia: Nỗ lực cứu hộ và khắc phục hậu quả

Cơ quan Tìm kiếm cứu nạn Indonesia ngày 7/1 thông báo đã tìm thấy phần đuôi của chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 bị mất tích ở vùng biển Java, mở ra hy vọng các chuyên gia sẽ làm sáng tỏ nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc dựa trên những dữ liệu của hộp đen máy bay.

Nỗ lực tìm kiếm cứu hộ

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 5/1 công bố những kết quả mới nhất của chiến dịch tìm kiếm máy bay QZ8501 của hãng hàng không Air Asia Indonesia, bị rơi ngày 28/12 vừa qua, ông Micheal Wattimena, quan chức cấp cao Ủy ban tìm kiếm cứu nạn của Quốc hội Indonesia, cho biết mặc dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng Indonesia vẫn sẽ tiếp tục triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn cho đến khi hoàn thành chiến dịch. Ông cũng đánh giá cao sự tham gia hỗ trợ của Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…, nhất là việc các nước này gửi các thiết bị tìm kiếm dưới biển cho Indonesia.


Chuẩn bị đưa thi thể các nạn nhân lên máy bay về thành phố Surabaya.
Ảnh: THX/TTXVN


Cơ quan khí tượng Indonesia cho biết các cơn bão nhiệt đới theo mùa có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn ngày 28/12/2014 và thời tiết đã liên tục cản trở các nỗ lực tìm kiếm thi thể nạn nhân cũng như hộp đen máy ghi lại các dữ liệu trên chuyến bay, bao gồm trao đổi của phi công – những dữ liệu có thể giải thích tại sao máy bay bị rơi xuống biển.

Trọng tâm chính của cuộc tìm kiếm đã dịch chuyển tới khu vực ngoài khơi đảo Berneo 90 hải lý và lực lượng tìm kiếm đã xác định chính xác vị trí của 5 vật thể lớn được cho là của máy bay. Quan chức đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia, Bambang Soelistyo, cho biết tính đến ngày 5/1 đã tìm thấy 39 thi thể nạn nhân và 5 mảnh lớn của chiếc máy bay gặp nạn. Tổng cộng 260 bác sĩ trong nước và quốc tế đang tập trung nhận dạng thi thể nạn nhân bằng kỹ thuật xác định vân tay, răng và ADN trong xương.

Sau vụ QZ8501, một chiếc máy bay của hãng AirAsia cũng đã bị chết máy ngay trước khi cất cánh tại sân bay quốc tế Juanda ở Surabaya. Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ đã kéo phi cơ quay trở lại vị trí đỗ và 120 hành khách trên khoang máy bay đã được sơ tán trong khi máy bay được sửa chữa. Tuy vậy, theo đánh giá của ông Zullkifli Hamzah, giám đốc công ty nghiên cứu MIDF (Malaysia), vụ tai nạn của QZ8501 và một vài sự cố sau đó không thể nhấn chìm được AirAsia cho dù đã khiến dư luận dấy lên câu hỏi về độ an toàn của hàng không giá rẻ.

Điểm sáng” phản ứng

Vụ rơi máy bay của AirAsia là tai nạn nghiêm trọng thứ ba trong năm 2014 của Malaysia sau hai vụ tai nạn máy bay MH370 và MH17 của Malaysia Airlines. Điều này có nghĩa là AirAsia phải chịu sức ép rất lớn trong công tác tìm kiếm, cứu hộ và khắc phục hậu quả.

Chuyến bay QZ8501 của AirAsia bay từ Surabaya (Indonesia) tới Singapore ngày 28/12/2014 với 162 người, đa số là người Indonesia. Trước khi biến mất khỏi màn hình radar, cơ trưởng chuyến bay đã đề nghị kiểm soát không lưu cho nâng độ cao và rẽ trái để tránh vùng thời tiết xấu. Tuy nhiên, máy bay chỉ được phép rẽ trái. Cơ trưởng người Pháp Iriyanto là một trong những phi công dày dạn kinh nghiệm với hơn 6.100 giờ bay.

Tuy vậy, AirAsia đã thể hiện khả năng phản ứng rất nhanh khi liên tục cập nhật thông tin về vụ tai nạn trên kênh thông tin chính thức của hãng. Thái độ sẵn sàng hợp tác của hãng cũng được dư luận công nhận. Hiện tại, AirAsia vẫn được đánh giá rất cao về độ an toàn khi những gì xảy ra với QZ8501 mới chỉ là vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên kể từ ngày thành lập.

AirAsia đang đề nghị bồi thường 24.000 USD cho thân nhân mỗi nạn nhân trên chuyến bay QZ8501. AirAsia nhấn mạnh rằng khoản bồi thường không phải là một lời xác nhận rằng người thân của họ đã thiệt mạng mà số tiền này chỉ là để hỗ trợ cho các gia đình trong suốt thời gian tìm kiếm.

Chuyên gia về luật hàng không và hàng hải Jeremy Joseph cho biết người thân vẫn sẽ được bồi thường dù các nhà điều tra kết luận chuyến bay không được cấp phép bay vào ngày 28/12/2014 – tức ngày xảy ra tai nạn. Hiệp ước Warsaw quy định trách nhiệm pháp lý tối thiểu của các hãng hàng không quốc tế chở người hay hàng hóa là 160.000 USD/hành khách. Thậm chí, trong trường hợp chuyến bay hoạt động trái phép và vi phạm quy trình vận hành tiêu chuẩn, các gia đình nạn nhân còn có thể yêu cầu bồi thường thêm.

Về phần mình, Giám đốc điều hành AirAsia Tony Fernandes khẳng định sẽ hỗ trợ tài chính cho các gia đình nạn nhân và hãng sẽ không né tránh trách nhiệm.

Trước đó, Bộ Giao thông Indonesia đã công bố kết quả của một trong các cuộc điều tra liên quan QZ8501, theo đó kết luận chi nhánh AirAsia ở Indonesia đã vi phạm quy định về giấy phép bay, khi cho phép chuyến bay QZ8501 cất cánh không đúng ngày. Cụ thể, giấy phép bay cho tuyến bay từ Surabaya tới Singapore là vào các ngày thứ 2, thứ 3, thứ 5 và thứ 7, nhưng QZ8501 lại bay vào thứ 2, thứ 4, thứ 6 và chủ nhật. Bộ Giao thông Vận tải Indonesia đã đình chỉ giấy phép bay tuyến bay Surabaya-Singapore của AirAsia từ ngày 2/1 cho tới khi có kết quả điều tra vụ tai nạn và vi phạm của AirAsia.

Hiện tại, AirAsia Indonesia chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào trước kết luận trên của Bộ Giao thông Indonesia. Như vậy, muốn biết hành vi vi phạm giấy phép bay có liên quan trực tiếp tới nguyên nhân rơi QZ8501 hay không vẫn phải chờ thêm kết quả điều tra, nhất là sau khi tìm được hộp đen máy bay.

Anh Quân
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN