Việt Nam trở thành thành viên của Liên đoàn Văn hóa dân gian thế giới

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp (CCV) đã chính thức được kết nạp vào Liên đoàn Văn hóa dân gian thế giới (IGF) và trở thành thành viên thứ 56 của tổ chức này tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Điều hành IGF ngày 31/3 ở Paris.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng tạo thuận lợi để quảng bá tới bạn bè quốc tế những nét đặc trưng của văn hóa dân gian Việt Nam thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giới thiệu các lễ hội, tín ngưỡng và phong tục tập quán…

Ngày 1/12/2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Chào mừng các đại biểu đến tham dự phiên họp của Hội đồng Điều hành IGF, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định Việt Nam có một nền văn hoá đặc sắc, lâu đời gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc.

Việt Nam luôn tự hào về 4.000 năm văn hiến, trong đó văn hóa dân tộc là sự tổng hòa các giá trị văn hóa đa dạng của 54 dân tộc anh em. Cho đến nay, Việt Nam đã có 11 di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản thế giới.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch IGF, ông Dorel Cosma cho biết thông qua các hoạt động trao đổi và giao lưu văn hóa, IGF luôn hướng tới mục tiêu tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc và đóng góp vào hòa bình trên thế giới.

Theo ông, văn hóa là cầu nối để các dân tộc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, những người yêu văn hóa dân gian đến từ nhiều nước khác nhau được xích lại gần nhau hơn qua các bài hát, điệu múa dân gian. Đó chính là những khoảnh khắc tuyệt vời, nơi khoảng cách địa lý và sự khác biệt bị xóa nhòa.

Tại phiên họp toàn thể của IGF, ông Nguyễn Thành Vượng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, đã giới thiệu những nét nổi bật của văn hóa dân gian Việt Nam. Ông cho biết Việt Nam coi trọng văn hóa dân gian bởi vì đây là “cội nguồn của văn hóa dân tộc”, được coi như “văn hóa gốc”, “là nguồn sản sinh và tiếp tục nuôi dưỡng văn hóa dân tộc”.

Theo ông, văn hóa dân gian chứa đựng và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện qua lòng yêu nước, tính cộng đồng, tinh thần cởi mở, dễ hòa hợp, thích ứng với giao lưu văn hóa. Ông cũng nhấn mạnh rằng trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam tăng cường bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, coi đó là căn cước để hội nhập và giao lưu quốc tế.

Quá trình gia nhập IGF được chính thức khởi động từ giữa năm 2016. Tháng 7/2016, Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp phối hợp Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã tổ chức chuyến biểu diễn của đoàn Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc tại Festival Văn hoá thế giới lần thứ 33 tại thành phố Voiron, tỉnh Isère, vùng Auvergne Rhône Alpes, Đông Nam nước Pháp.

Tại festival này, cùng với các đoàn nghệ thuật đến từ Argentina, Romania, Mexico, Ấn Độ và Pháp, các nghệ sĩ Việt Nam đã biểu diễn không chỉ trên sân khấu các nhà hát mà còn cả tại các lễ hội đường phố, trong các trường học ở thành phố Voiron và 6 thành phố lân cận.

Nhân dịp này, ông Nguyễn Thành Vượng, Giám đốc Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp đã làm việc với ông Nicolas Charléty, Trưởng Ban tổ chức Festival Văn hoá thế giới Voiron, và ông Dorel Cosma, Chủ tịch Hiệp hội Văn hoá dân gian thế giới để bàn về hợp tác văn hoá, đặc biệt là về các lễ hội văn hoá dân gian.

Trao đổi với phóng viên TTXVN sau lễ kết nạp, Chủ tịch IGF Dorel Cosma bày tỏ sự hài lòng khi Việt Nam trở thành thành viên thứ 56 của IGF. Theo ông, đây là mốc quan trọng đối với sự phát triển của IGF. Ông cũng đánh giá cao sự phong phú và đa dạng của kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam và tin tưởng rằng sự tham gia tích cực của Việt Nam sẽ đóng góp vào thành công của IGF trong tương lai.

Về phần mình, ông Nguyễn Thành Vượng cho biết, kể từ bây giờ, Việt Nam có thể tiếp cận thông tin và tham gia các dự án chia sẻ các giá trị văn hóa dân gian đối với các nước thành viên của IGF, tham gia vào hệ thống bảo tàng dân gian và được trợ giúp về mặt kỹ thuật và tài chính vì IGF có nguồn vốn hỗ trợ của UNESCO.

Việc trở thành thành viên của IGF sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam cử các đoàn nghệ thuật tham gia vào các hoạt động văn hóa dân gian tổ chức tại các nước. Ông cũng cho biết vào tháng 7 tới, đoàn Ca múa nhạc Việt Nam sẽ đi biểu diễn tại 7 nước châu Âu, trong khuôn khổ tài trợ của IGF. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể mời nghệ sĩ của một số nước thành viên tham gia các festival đường phố ở Việt Nam.

TTXVN/Tin Tức
Bảo vệ di sản thực hành  tín ngưỡng thờ Mẫu
Bảo vệ di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Nhận diện đúng giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng như việc thực hành tín ngưỡng một cách đúng đắn, là cách để giúp chúng ta bảo tồn di sản đúng nghĩa, không bị sai lệch và không làm biến dạng giá trị di sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN