Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva (MCIS) lần thứ 4 diễn ra trong hai ngày 16 - 17/4 tại Moskva, do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức, đã thu hút sự tham gia của giới lãnh đạo quân sự và quốc phòng đến từ hơn 70 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế.
Quang cảnh hội nghị MCIS. |
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng Võ Văn Tuấn dẫn đầu tham dự và có bài tham luận tại một trong hai phiên thảo luận ở tổ.
Chủ đề xuyên suốt tại hội nghị lần này là vấn đề an ninh toàn cầu. Chủ đề này thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế cũng như nước chủ nhà, thể hiện qua việc các nhà lãnh đạo đầu ngành của Nga là Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, Đại tướng Valery Gherasimov đọc tham luận tại hội nghị.
Tham luận của các đại biểu Nga chủ yếu tập trung đánh giá, phân tích và nhận định những nguy cơ chính, những hiểm họa nghiêm trọng đe dọa an ninh toàn cầu và đề ra những phương hướng hợp tác chính để đối phó với những nguy cơ này.
Cũng tại phiên họp toàn thể ngày 16/4, các đại biểu còn nghe 11 tham luận của Bộ trưởng Quốc phòng các nước Trung Quốc, Belarus, Hy Lạp, Nam Phi, Indonesia, Serbia, Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên, Ấn Độ và hai quốc gia Hồi giáo Pakistan và Iran.
Chiều cùng ngày, các đại biểu tập trung thảo luận hai chủ đề lớn, gồm triển vọng hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, diễn biến tình hình Afghanistan sau khi các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế rút khỏi quốc gia này, cũng như các biện pháp chống lại hiểm họa mới nổi và hết sức nguy hiểm là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng; chủ đề thảo luận thứ hai đề cập vai trò của các công cụ chính trị - quân sự trong việc bảo đảm an ninh khu vực và toàn cầu. Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trung tướng, Trưởng đoàn Việt Nam Võ Văn Tuấn đã có tham luận về chủ đề này.
Bài tham luận của Việt Nam được nước chủ nhà đánh giá cao và thu hút sự quan tâm của hội nghị. Tham luận khẳng định "các thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng có xu hướng gia tăng, đe dọa an ninh và ổn định của các quốc gia, mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được, đòi hỏi phải có các công cụ chính trị - quân sự nhằm kiềm chế mâu thuẫn, xung đột và thúc đẩy hợp tác, đối phó với các vấn đề an ninh chung, nhất là trong tình hình hiện nay. Các công cụ chính trị - quân sự là các cơ chế, phương thức, để giải quyết xung đột, mâu thuẫn, bất đồng hoặc thúc đẩy hợp tác khu vực và toàn cầu, thông qua con đường chính trị - quân sự".
Phó Tổng Tham mưu trưởng Võ Văn Tuấn cũng khẳng định lập trường của Việt Nam ủng hộ mở rộng và nâng cao vai trò của LHQ, các cơ chế an ninh đa phương, trong đó bảo đảm an ninh, hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Các giải pháp khác (giải pháp quân sự) cần phải có sự ủy quyền, thông qua LHQ, sự hợp tác và thống nhất của cộng đồng quốc tế. Việt Nam phản đối đơn phương can thiệp quân sự vào các quốc gia có chủ quyền dưới bất kỳ danh nghĩa nào.
Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu tiến hành hơn 10 cuộc gặp song phương với các đại biểu để thảo luận khả năng tăng cường hợp tác quân sự - quốc phòng song phương cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cấp bách khác.
Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva lần đầu tiên được tổ chức tại thủ đô của Nga năm 2012 và được duy trì thường niên. Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia các hội nghị thứ nhất, thứ ba và thứ tư. Hội nghị lần thứ hai thảo luận các vấn đề an ninh của khu vực châu Âu, nên Việt Nam không tham dự.
TTXVN/Tin tức