Quan hệ Mỹ-Venezuela đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi Tổng thống Nicolas Maduro lên nắm quyền (4/2013), với việc hai bên liên tục có những tuyên bố, hành động chỉ trích, trả đũa lẫn nhau. Cái gai trong mắt người MỹNgày 9/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama ra tuyên bố coi Venezuela là mối đe dọa an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ. Cùng lúc, ông chủ Nhà Trắng ký ban hành sắc lệnh áp đặt lệnh trừng phạt đối với 7 quan chức trong chính quyền Caracas. Đây được xem là hành động trả đũa của Mỹ trước việc ngày 28/2, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro quyết định áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt ngoại giao mới, trong đó yêu cầu các công dân Mỹ bắt buộc phải xin thị thực nếu muốn nhập cảnh vào Venezuela, cũng như giảm số nhân viên ngoại giao của Mỹ tại Đại sứ quán ở Caracas.
Người dân Venezuela tuần hành ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro. |
Trước đó, ông Maduro tuyên bố Caracas đã phát hiện và kịp thời dập tắt âm mưu đảo chính của phe đối lập được sự hỗ trợ, giật dây của Mỹ; tiến hành bắt giữ Thị trưởng Caracas Antonio Ledezma. Truyền thông Venezuela công bố thông tin chi tiết về kế hoạch mang mật danh “Chiến dịch Jerico”, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ricardo Zuniga - cố vấn về Mỹ Latinh của ông Obama. Kịch bản thay đổi thể chế này gồm nhiều bước, từ gây rối loạn kinh tế, đến bôi xấu chính quyền, kích động dư luận, biểu tình đường phố và cuối cùng là sử dụng máy bay chiến đấu đánh chiếm dinh Tổng thống, và trụ sở các cơ quan trọng yếu khác ở Caracas. Thời điểm thực hiện cũng đã được Mỹ tính toàn kĩ, đó là khi Venezuela gặp nhiều khó khăn về kinh tế, lạm phát tăng cao, khan hiếm nguồn hàng thiết yếu… do hệ quả từ việc giá dầu giảm mạnh.
Nhìn xa hơn, kể từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền (1999), quan hệ Mỹ - Venezuela luôn bị bao trùm bởi gam màu xám. Venezuela trở thành cái gai trong mắt người Mỹ vì nhiều lý do. Thắng lợi của Cách mạng Bolivar do ông Chavez khởi xướng, lãnh đạo và được người kế nhiệm Maduro tiếp bước đã tạo ra xung lực mới cho phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh. Các đảng theo đường lối cánh tả lên nắm quyền tại một loạt các nước trong khu vực như Bolivia, Ecuardo, Brazil, Argentina, Nicaragua, El Salvado… đẩy ảnh hưởng của Mỹ tại Tây bán cầu xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỉ trở lại đây. Mỹ gần như hoàn toàn bị loại khỏi các tổ chức mới được thành lập tại khu vực như Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) - những thiết chế mà ở đó Venezuela đều để lại những dấu ấn, đóng góp nổi bật. Về kinh tế, các tập đoàn lớn của Mỹ hiện không còn cơ hội nhảy vào các dự án khai thác dầu khí đầy tiềm năng tại Venezuela - nước có trữ lượng “vàng đen” hàng đầu thế giới, sau khi chính quyền nước này thực thi chính sách quốc hữu hóa ngành công nghiệp này. Về địa chính trị, Mỹ xem Venezuela từ thời Tổng thống Chavez đến nay luôn là “cầu nối” quan trọng của cả Nga và Trung Quốc trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng vào Mỹ Latinh, đe dọa lợi ích của Mỹ tại khu vực mà Washington thường xem là “sân sau”.
Quốc tế đoàn kết với VenezuelaVenezuela đã thực thi nhiều biện pháp quyết liệt nhằm đối phó với các mối đe dọa trong nước, cũng như sức ép từ bên ngoài. Ngày 15/3, Quốc hội Venezuela họp bất thường, thông qua Luật trao quyền đặc biệt chống đế quốc vì hòa bình cho ông Maduro, cho phép Tổng thống có toàn quyền ra các quyết định khi xuất hiện nguy cơ khẩn cấp về an ninh, mối đe dọa bị xâm lược. Bộ Quốc phòng Venezuela tổ chức diễn tập quân sự trên quy mô toàn quốc, kéo dài trong vòng 10 ngày, với sự tham gia của hơn 100.000 người, nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết của quân dân, quyết tâm sẵn sàng đối phó với những hành động can thiệp của Mỹ. Trên bình diện ngoại giao, Tổng thống Maduro đã lên tiếng kêu gọi các tổ chức tại khu vực bảo vệ Venezuela chống lại sự leo thang căng thẳng của Mỹ. Ông cũng đích thân gửi thư tới Nhà Trắng và người dân nước Mỹ, khẳng định Venezulea là một quốc gia tự do, độc lập, xã hội mở, yêu chuộng hòa bình và là bạn bè của nhân dân Mỹ trong tiến trình lịch sử.
Dư luận quốc lập tức lên tiếng ủng hộ Venezuela trước sức ép và can dự của Mỹ. Hôm 18/3, Hội nghị thượng đỉnh bất thường ALBA đã ra “Tuyên bố Caracas”, xem phát biểu của Tổng thống Obama về “mối đe dọa Venezuela” là hành động can thiệp vào công việc nội bộ, vi phạm độc lập chủ quyền của một quốc gia; yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Venezuela. Phong trào Không liên kết (NAM) trước đó ra thông cáo nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của tổ chức này đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của Venezuela; phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương mà Mỹ áp đặt đối với Venezuela, khẳng định tuyên bố và hành động của Mỹ là “không phù hợp”. Các ngoại trưởng UNASUR cũng ra tuyên bố yêu cầu Washington hủy bỏ sắc lệnh coi Venezuela là mối đe dọa an ninh. Lãnh đạo nhiều nước trong khu vực như Bolivia, Ecuador… biểu thị tinh thần đoàn kết với Venezuela, kêu gọi người dân Mỹ Latinh tăng cường hơn nữa tình đoàn kết để bảo vệ thành quả kinh tế - xã hội cùng trào lưu dân chủ đã đạt được trong những năm gần đây.
Theo Tổng thống Maduro, Venezuela sẽ không để “Mùa xuân Arập” quét qua, dù có người luôn tìm cách thúc đẩy. Lý do là bởi “Chúng tôi đã có mùa xuân của riêng mình - mùa xuân cách mạng mở cánh cửa bước vào thế kỉ 21” – ông bình luận. Đoàn kết nội bộ, niềm tin của đa số nhân dân đối với chính quyền cùng với sự ủng hộ của quốc tế sẽ là những nhân tố để Venezuela vượt qua những khó khăn, thách thức đang và sẽ gặp phải trong tiến trình cách mạng Bolivar.
Hoài Thanh