Vàng thau lẫn lộn, bao giờ Hoa hậu mới thành người

Sau rất nhiều mong chờ của dư luận, văn bản của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa ra, trả lời về việc có hay không thu hồi danh hiệu của Hoa hậu Triệu Thị Hà, là câu trả lời “có như không”. Bởi theo Bộ, không có quy định nào của pháp luật về việc thu hồi danh hiệu Hoa hậu.


Sau đăng quang, không nhiều Hoa hậu giữ được hình ảnh đẹp của mình như trong cuộc thi.


Tất nhiên, Bộ không trả lời là không tước, mà chỉ là không thể tước vì không có văn bản quy định. Đồng nghĩa với việc, nếu tìm ra được văn bản quy định về việc thu hồi danh hiệu, thì nhiều khả năng đề nghị của Công ty CIAT- đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2011, vẫn có thể thực hiện được.


Một lỗ hổng lớn trong văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta. Một lỗ hổng mà bản thân một Thứ trưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã từng thừa nhận trong một cuộc họp báo từ năm 2013 là Nghị định 79 và Thông tư 03, chỉ sau 1 năm triển khai, cũng đã thấy có một số bất cập, cần bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với sự phát triển nhanh và ngày càng đa dạng của đời sống văn hoá hiện nay.


Thế nhưng, dù nhận ra “lỗ hổng” và vị Thứ trưởng này cũng đã ngay lập tức đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn- đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo các văn bản quy định về xử lý vi phạm trong các hoạt động biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu… cần sớm bổ sung, sửa đổi văn bản… nhưng đến nay, việc sửa đổi, bổ sung vẫn dậm chân tại chỗ và cũng có nghĩa là những vụ việc “ngoài quy định” như vụ thu hồi danh hiệu của một Hoa hậu đã tự nguyện trả danh hiệu- vẫn sẽ không thực hiện được. Những đơn vị tổ chức các cuộc thi Hoa hậu, người đẹp… vì thế cũng sẽ tiếp tục phải “bó tay” trước những sai phạm, vi phạm về đạo đức, lối sống, phát ngôn, trách nhiệm xã hội… của những người đẹp của mình.


Điều đáng nói ở đây, vì không thể thu hồi danh hiệu của Triệu Thị Hà do sự “bất lực” của văn bản pháp luật, nên thành ra Bộ lại dường như bị mang danh “dung túng” cho những sai phạm của Triệu Thị Hà.


Thì đó, trong khi BTC, các thí sinh, người đẹp đã liên tục lên tiếng bức xúc về việc Triệu Thị Hà đưa ra những thông tin vu khống, sai lệch, bôi nhọ cuộc thi, làm ảnh hướng tới uy tín, danh dự của cuộc thi, cũng như làm ảnh hưởng tới cá nhân những thí sinh, người đẹp tham gia cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam năm 2011 cùng Triệu Thị Hà; bản thân Triệu Thị Hà cũng đã thừa nhận cách xử lý của mình trong sự việc này là nông nổi, thiếu suy nghĩ… nhưng rồi, phát ngôn mới nhất của Triệu Thị Hà trên báo chí là: Cám ơn Bộ đã đứng về lẽ phải, bảo vệ lẽ phải. Nghĩa là Triệu Thị Hà là “lẽ phải” ở đây.


Một điều thật đáng để đau lòng khi đây là một con người đã liên tục sai phạm trong suốt 2 năm ở ngôi đương kim hoa hậu và sau đó phủi sạch những gì cuộc thi đã mang lại cho mình, trong khi vẫn lợi dụng danh hiệu của cuộc thi để trục lợi (hiện cát xê của Triệu Thị Hà là vài chục triệu tới cả trăm triệu và Triệu Thị Hà cũng vừa được mời tham gia đóng phim - điều đã được tiên lượng trước khi Hà quyết định bằng mọi giá tạo lên scandal bôi nhọ cuộc thi để PR hình ảnh của mình). Một điều thật đáng đau lòng khi đây là một con người đã không còn một chút gì của nét đẹp khi đăng quang, chấp nhận tự bôi nhọ hình ảnh của mình, của những người xung quanh mình, lợi dụng cả hoàn cảnh gia đình mình… để tạo “tai tiếng” với mong hòng “nổi tiếng”. Vậy đó là “lẽ phải” được bênh vực hay sao?


Đời người, quan trọng nhất là nhân phẩm, lòng tự trọng, nên khi một cá nhân đã dám bất chấp tất cả, dám nhúng bùn chỉ để vì “danh hão”, thì xem ra cũng không còn gì có thể bàn thêm về cá nhân ấy nữa.


Nhưng chuyện ở đây nên nhìn rộng hơn lên, rằng sau những vụ việc này, rồi Hoa hậu của chúng ta sẽ đi đâu về đâu. Đừng nói đó là lỗi của các cuộc thi, không, đó là lỗi của cụ thể từng Hoa hậu - những người đã lên đỉnh vinh quang quá sớm, đã không đủ bản lĩnh để giữ gìn hình ảnh của mình, đã vội đòi hỏi thay vì cống hiến, đã đặt mình ở vị trí Hoa hậu để cho mình quyền đứng cao hơn những người khác, trong khi không hề nghĩ đến việc hoàn thiện mình, nghĩ đến việc mình phải lớn lên, chững chạc lên, tốt đẹp lên hơn nữa sau khi đã trở thành Hoa hậu - một đại diện cho sắc đẹp, nhân cách, trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam.


Hoa hậu Quý bà Thế giới 2011 April Lufriu đã nhiệt tình đồng hành cùng cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam 2013.


Nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng cũng chính đây là nguyên nhân khiến các Hoa hậu Việt Nam thường rớt đài rất sớm trong các cuộc thi Hoa hậu tầm Quốc tế? Không phải vì nhan sắc, chiều cao, mà vì tầm trí tuệ chưa thực sự cao nên họ chưa thực sự toả sáng được bằng chính cái đầu của mình. Hoa hậu Quý bà Thế giới 2013 April Lufriu là một ví dụ về việc trí tuệ toả sáng. Dù chỉ cao dưới 1,7 m, nhan sắc cũng không quá vượt trội so với các thí sinh cùng dự thi, nhưng cô đã nhanh chóng giành ngôi vị cao nhất, với sự “tâm phục” của tất cả mọi người. Và sau đó, sự đồng hành của April Lufriu cùng BTC cuộc thi trong các hoạt động tại Việt Nam, trên thế giới - càng là một minh chứng cho ngôi vị của cô. Dù giờ đây cuộc thi đã có đương kim Hoa hậu khác, nhưng April Lufriu vẫn có một vị trí nhất định, với những nỗ lực không ngừng của mình, trong khi đang mang những mầm mống của căn bệnh quái ác, có thể khiến cô bị mù bất cứ lúc nào…


Trong khi với Hoa hậu Việt Nam, thường thì họ hay dính scandal, vi phạm hơn là toả sáng. Hoa hậu thì “lấy chồng chui”, lừa dối BTC; Hoa hậu thì “dính” nghi án bằng cấp; Hoa hậu thì chối bỏ nghĩa vụ của mình, quay lại “vô ơn” ngay với những người đã giúp đỡ, đồng hành cùng mình, chỉ vì để nổi danh và kiếm tiền! Chua chát thay!


Dư luận đặt ra câu hỏi, đến bao giờ Hoa hậu Việt mới thực sự vào khuôn khổ, là Hoa hậu đúng nghĩa, trở thành “vàng” chứ không phải là “thau”? Điều này, xem ra là câu hỏi chưa lời đáp. Khi mà bản thân các Hoa hậu, người đẹp vẫn đang tự cho mình quyền được “trượt dài” sau khi đăng quang, còn bản thân các cơ quan công quyền thì vẫn còn đang lúng túng với những lỗ hổng pháp luật trong việc “vung roi” với Hoa hậu.


Diệu Vy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN