Tính tới cuối phiên giao dịch này, giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ tăng 0,8%, lên 1.127,80 USD/ounce, sau khi có thời điểm trong ngày “vọt” lên mức 1.130,35 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 3/9. Giá vàng giao tháng 12/2015 cũng tăng 0,2% trong phiên này, lên 1.117 USD/ounce.
Trước đó, trong ngày 16/9, vàng cũng ghi nhận mức tăng theo ngày lớn nhất kể từ phiên 20/8 là 1,3%, sau khi thị trường tiếp nhận báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ bất ngờ sụt giảm trong tháng 8, đẩy lùi khả năng FED sớm nâng lãi suất.
Quyết định của FED sau cuộc họp kéo dài hai ngày vừa qua càng làm tăng thêm mối lo ngại về triển vọng yếu kém của kinh tế thế giới, đồng thời mở ra khả năng ngân hàng này sẽ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ khiêm tốn vào cuối năm nay. FED cho rằng thị trường toàn cầu hiện vẫn còn nhiều bất ổn và những rủi ro của nền kinh tế thế giới đã khiến ngân hàng này trì hoãn việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua. Thông tin này đã giúp cho các tài sản vốn được coi là an toàn như vàng đồng loạt lên giá.
Tuy nhiên, Rob Haworth, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư của ngân hàng Wealth (Mỹ) lại cho rằng đà tăng của kim loại quý này còn khá mong manh và có thể chỉ tồn tại trong ngắn hạn, do nhu cầu vàng vật chất hiện vẫn yếu và thị trường sẽ lại đối mặt với sự biến động khi FED bước vào cuộc họp chính sách tháng 10 tới.
* Cùng ngày, hai trong ba chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ đã đi xuống. Chốt phiên 17/9, Dow Jones Industrial Average giảm 65,21 điểm (0,39%) xuống 16.674,74 điểm; S&P 500 giảm 5,11 điểm (0,26%) xuống 1.990,20 điểm; chỉ có Nasdaq Composite tăng nhẹ 4,71 điểm (0,10%) lên 4.893,95 điểm.
Thị trường đã trồi sụt, lúc tăng lúc giảm khi FED công bố chính sách tiền tệ sau phiên họp kéo dài hai ngày, theo đó cho biết mức lãi suất thấp kỷ lục 0-0,25% hiện tại vẫn được giữ nguyên, chấm dứt những "phấp phỏng" của nhà đầu tư về một sự thay đổi trong lãi suất. Sau quyết định giữ nguyên lãi suất, đã có lúc chỉ số S&P 500 nhảy vọt lên trên mức 2.020 điểm, sau đó giảm trở lại.
Trong phiên này, các cổ phiếu ngành ngân hàng sụt giảm khá mạnh, với Bank of America trượt 2,9%, Wells Fargo mất 2,8% và JPMorgan Chase giảm 2,3%. Lợi nhuận của các ngân hàng được dự kiến là sẽ tăng lên nếu lãi suất tăng.
Mỏ dầu ở Tioga, Bắc Dakota, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giá dầu giảm
Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 17/9. Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao tháng 11/2015 giảm 25 xu Mỹ xuống 46,90 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London của Anh, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 67 xu Mỹ xuống 49,08 USD/thùng.
Sau cuộc họp hai ngày, Fed đã quyết định duy trì tỷ lệ lãi suất cơ bản 0 - 0,25% và trì hoãn đợt tăng lãi suất lần đầu trong gần một thập niên. Trong khi, Fed bày tỏ tin tưởng nền kinh tế Mỹ phục hồi tuy điều kiện thế giới có nhiều bất lợi.
Chuyên gia Matt Smith thuộc ClipperData,cho biết quyết định duy trì lãi suất gần như bằng không của FED sẽ có lợi cho thị trường dầu mỏ bởi lãi suất Mỹ thấp giúp đồng USD giảm giá so với các đồng ngoại tệ khác. Một đồng USD yếu sẽ kích thích nhu cầu mua dầu, mặt hàng được định giá bằng đồng bạc xanh.