Văn Ngọc Tú và cái duyên Kurash

Biệt danh “Nữ hoàng Nhu đạo” đã nói lên tất cả về thành công và sự nổi tiếng của Văn Ngọc Tú trong làng Judo Việt Nam và Đông Nam Á. Tuy nhiên, cô gái nhỏ nhắn người Sóc Trăng này còn đang khẳng định mình ở một bộ môn khác: Kurash. Tại Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2013 (AIMAG 4) mới kết thúc tại Hàn Quốc đầu tháng 7, Ngọc Tú đã xuất sắc giành 1 Huy chương Vàng, góp phần vào chiến công vang dội của Đoàn thể thao Việt Nam.

Văn Ngọc Tú và tấm HCV Kurash tại AIMAG 2013.

 

Trong làng Judo Việt Nam, không ai không biết đến cái tên Văn Ngọc Tú. Cô nổi tiếng không kém đàn chị Cao Ngọc Phương Trinh. Nữ võ sỹ sinh năm 1987 này đã giành nhiều thành tích cho thể thao Việt Nam tại đấu trường khu vực và quốc tế. Tú “dừa” (trước đây cô hay búi tóc giống như trái dừa mỗi khi lên thảm đấu) từng 4 lần liên tiếp vô địch SEA Games, từ SEA Games 22 tại Việt Nam cho tới SEA Games 25 tại Lào. Đây chính là thành tích lịch sử của bộ môn Judo Việt Nam.


Với “tuyệt chiêu” là đòn hốt chân (Moroté) nhanh, mạnh, Ngọc Tú đã khiến không biết bao nhiêu đối thủ phải gục ngã dưới chân cô. Không có đối thủ ở Việt Nam và Đông Nam Á ở hạng cân 48 kg, Ngọc Tú cũng đã chứng tỏ được tài năng của mình bằng những tấm Huy chương Đồng tại các giải trẻ châu Á 2005 và 2007, cũng như tại giải vô địch châu Á 2011.


Một dấu ấn không thể quên trong sự nghiệp thi đấu của Ngọc Tú là việc cô giành quyền tham dự Olympic 2012. Dù không thể mang về vinh quang cho TTVN tại Luân Đôn hè năm ngoái, nhưng ít nhất, đẳng cấp của cô gái họ Văn cũng đã được thừa nhận ở tầm thế giới.


Bắt đầu tập luyện những đòn thế Judo cơ bản năm 12 tuổi, Ngọc Tú gần như ngay lập tức đã lọt vào “mắt xanh” của HLV Lê Quốc Thám, người về sau dẫn dắt đội tuyển Judo Việt Nam tại SEA Games 23. Có năng khiếu và lại chăm chỉ luyện tập, Ngọc Tú liên tiếp gặt hái thành công với đội tuyển Judo Sóc Trăng tại các giải khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giải trẻ toàn quốc, Đại hội TDTT toàn quốc. 4 năm sau khi xuất hiện trên thảm đấu, Ngọc Tú đã được gọi vào đội tuyển quốc gia. Những chuyến tập huấn, thi đấu cọ xát tại nước ngoài, đặc biệt là tại Nhật Bản - quê hương của môn võ Judo, đã giúp Ngọc Tú ngày càng hoàn thiện kỹ thuật và kỹ năng lâm trận của mình.

 

Kurash như một sự tình cờ


Đam mê Judo và nguyện sẽ gắn bó trọn đời với môn thể thao này, Ngọc Tú không thể ngờ rằng cô còn mang một sứ mệnh lớn hơn thế. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2009, khi Việt Nam ráo riết chuẩn bị cho Đại hội thể thao trong nhà châu Á (AIG 3) trên sân nhà. Nhận thấy Kurash có nhiều điểm tương đồng với Judo (thảm đấu, cách tính điểm, một số cách ra đòn...), các lãnh đạo bộ môn và ngành thể thao đã quyết định đẩy nhanh việc tập luyện môn thể thao có nguồn gốc từ Udơbêkixtan này. Cách hiệu quả nhất và nhanh nhất chính là hướng dẫn kỹ thuật Kurash cho một số VĐV Judo.


Đến tận bây giờ, Ngọc Tú cũng bất ngờ với chính mình tại AIG 3: “Mới tập luyện được 3 tháng, tôi nghĩ chỉ tham dự cho vui, không ngờ lại giành được HCV”. Tại giải đó, Ngọc Tú đã quật ngã các đối thủ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và kể cả Udơbêkixtan trên đường đăng quang.


Chính chiến tích tại AIG 3 đã giúp Ngọc Tú một lần nữa được tin tưởng trao cơ hội tham dự AIMAG 4 (giải đấu là sự sáp nhập giữa AIG và Đại hội võ thuật châu Á). Trong trận chung kết hạng cân dưới 52 kg ngày 4/7 vừa qua, cô đã thắng thuyết phục trước một đối thủ người Tuốcmênixtan. Tấm HCV châu lục thứ hai liên tiếp của Ngọc Tú ở môn Kurash đã góp công lớn vào thành tích xuất sắc của Đoàn TTVN tại AIMAG 4: Xếp thứ 3 chung cuộc (8 HCV, 7 HCB, 12 HCĐ), chỉ thua kém mỗi Trung Quốc và chủ nhà Hàn Quốc.


Bỏ lại đằng sau thất bại bất ngờ trong trận bảo vệ tấm HCV Judo tại SEA Games 26, Ngọc Tú đang ngày càng cho thấy sự trưởng thành và ổn định về phong độ, tâm lý. Bây giờ, dù Judo hay Kurash, Ngọc Tú dường như đều đã biết cách chế ngự đối thủ lớn nhất: Là chính bản thân mình!

 

Kurash là môn võ truyền thống của người Udơbêkixtan. Kurash có lối đánh tương tự như Judo và Vật. Tuy nhiên, môn võ này không có nhiều đòn thế, độ khó không cao và cũng ít nguy hiểm hơn đối với VĐV. Nếu như ở môn Judo, các võ sỹ được sử dụng các đòn đánh như đứng, quỳ, nằm, thì Kurash chỉ tính điểm nếu võ sỹ ra đòn ở tư thế đứng. Hiện nay, ở Udơbêkixtan có khoảng 2 triệu người thường xuyên tập Kurash. Năm 2003, Ủy ban Olympic châu Á đã chính thức công nhận Kurash và đưa môn này vào chương trình thi đấu cấp châu lục. Udơbêkixtan đang tích cực vận động để Kurash có mặt ở Asiad 17 (tại Incheon, Hàn Quốc, năm 2014).


Bảo An

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN