Không chỉ đẹp, không chỉ hấp dẫn với một bề dầy lịch sử, với những di tích văn hóa đậm chất “Tràng An”, Hà Nội còn có một sức hút rất riêng để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bằng ... ẩm thực. Những món ngon Hà Nội đã vào sách, vào thơ, vào văn, đã khiến nhiều nhà văn thành nổi tiếng như Thạch Lam, Băng Sơn.
Phở là một nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực Hà Nội. |
Khúc giao hưởng của phở...
Nói đến Hà Nội không thể quên nói đến phở. Dù bên cạnh phở, còn rất nhiều món ngon khác mang đặc trưng của Hà Thành như bánh tôm Hồ Tây, bún chả, nem rán, chả cá Lã Vọng... Bởi lẽ, chỉ có phở ở Hà Nội mới nhiều cung bậc, mới đặc trưng và mới “nên thơ” tới vậy.
Như nhiều thực khách đã khẳng định, đến Hà Nội, chắc chắn không thể bỏ qua việc thưởng thức món phở Hà Nội. Phở là một món ăn bình dân, từ giàu đến nghèo đều có thể ăn phở, nói cách khác đây là món ăn không phân biệt tầng lớp, quốc tịch. Phở ăn vào bất cứ lúc nào, sáng, trưa, chiều, khuya cũng thấy ngon, mùa nào ăn cũng thấy có ý nghĩa. Mùa đông ăn bát phở thì ấm sực lòng người. Mùa hè ăn một bát phở, toát mồ hôi ra, gặp cơn gió nhẹ chạy qua, một cảm giác mát rượi ập đến, khiến cho người ăn rất sảng khoái...
Xây dựng ẩm thực thành một sản phẩm du lịch của Hà Nội. |
Các hàng phở, hiệu phở thường lấy tên cúng cơm người chủ hay tên phố mà đặt, ví như: Phở Vui, phở Bát Đàn, phở Lý Quốc Sư, phở Thìn Bờ Hồ... Nguyên bản của phở là làm bằng thịt bò, nhưng có nhiều lý do, phở đã được cách tân bằng cách làm từ thịt gà, nhiều nơi lại còn làm bằng thịt ngan, thịt vịt…
Phở “phổ biến” thế, nhưng nấu phở ngon không đơn giản, làm phở thành thương hiệu cũng không phải chuyện dễ dàng. Để có một bát phở, phải trải qua những công đoạn rất cầu kỳ, đòi hỏi rất nhiều loại gia vị khác nhau, từ kỹ thuật ninh nước dùng, đến việc chọn loại bánh phở dẻo, dai, cũng như điều không thể thiếu trong bát phở là cái vị thơm rất đặc trưng của rau thơm Láng.
Nước dùng của phở phải được ninh từ xương bò ngon, trong khoảng 12 giờ, đun nhỏ lửa, để có nồi nước dùng trong, thơm đặc trưng mùi bò. Sau đó là chế gia vị. Đây là khâu rất quan trọng, mang tính quyết định, nó cho ta thấy đây có phải hàng phở ngon, gia truyền hay không. Nào là hành khô, gừng nướng cho thơm, nào là mỡ gà, nào là húng lìu, nào là quế…thật không đơn giản. Nước dùng sao cho phải thơm, ngon, không mặn, không nhạt, vị ngọt của xương chứ không phải của mì chính. Để có món phở ngon, người làm phải cẩn thận trong việc lựa chọn sản phẩm. Xương bò phải tươi, không có mùi hôi, thịt bò phải tươi, mềm.
Rau phải là rau thơm Láng, dấm phải là dấm gạo, vị chua dịu, thơm. Bánh phở dẻo, dai, bột mịn trắng. Những lát thịt bò chín được thái to bản mà mỏng, nạm giòn, một vài lá hành hoa xanh tươi, nhánh hành sống có củ màu vàng ngọc thạch nhúng qua nước dùng, vài sợi gừng vàng như tơ, đôi lát ớt đỏ, ớt vàng, đôi ba lá húng Láng, chút tiêu sọ. Bát phở được trình bày đủ màu sắc hài hòa như một bức tranh, nước dùng vàng nhạt, ngọt đậm.
Rồi phở gà xuất hiện do một thời gian nước ta thiếu thịt bò nghiêm trọng, người bán hàng không có nguyên liệu để làm hàng, đành phải chuyển sang lấy thịt gà làm nguyên liệu. Lúc đầu, nhiều người nhất định không ăn phở gà, nhưng với những người mà phở đã trở thành một phần không thể thiếu, thì cũng đành ăn rồi cho rằng “thôi cũng được”, lâu cũng quen.
Ở Hà Nội, bây giờ còn có một món “Phở biến tấu” vừa lạ lại vừa quen, đó là “Phở cuốn”. Đây quả là một kiểu ăn phở rất hấp dẫn. Từng lá bánh phở như lá bánh cuốn, to bằng bánh đa nem được để lên khay sạch, sau đó là lấy thịt bò xào cùng với rau thơm, xà lách đặt lên lá bánh, rồi cuốn lại và ăn với nước chấm pha sẵn. Ăn rất ngon, không ngấy, lại rất phù hợp ăn vào mùa hè.
Phở Hà Nội, để tồn tại đến bây giờ, đã phải trải qua bao thăng trầm, tuy không giữ được trọn vẹn hương vị ban đầu, nhưng nó vẫn là một món ăn được yêu thích nhất của ngươi Hà Nội. Không ai có thể phủ nhận vị trí rất quan trọng của nó trong đời sống tinh thần của người Hà Nội...
Xây dựng thành “sản phẩm” du lịch
Ẩm thực có vai trò vô cùng quan trọng đối với khách du lịch, dù họ đi du lịch ở bất cứ nơi đâu, vào thời điểm nào. Văn hóa ẩm thực tại địa phương nơi đến của du khách chính là sự quan tâm hàng đầu của khách du lịch. Bởi thông qua việc thưởng thức các món ăn, du khách sẽ có thể hiểu được về phong tục, tập quan, lối sống, cũng như lối hành xử của nơi đến.
Điều đó sẽ tạo được ấn tượng tốt đẹp cho du khách, làm cho họ cảm nhận được chuyến đi của mình thật ý nghĩa hoặc ngược lại. Bởi một trong những mục đích của du khách khi đi du lịch là mở rộng tầm hiểu biết, thấy được những điều mới lạ ở điểm mà mình đến. Mặt khác, việc thưởng thức những món ăn ngon cũng là dịp để thực khách lấy lại sức khỏe cho cơ thể để tham gia trọn vẹn và thưởng thức những nét đặc sắc trong chương trình du lịch.
Vì vậy, muốn thu hút khách du lịch nước ngoài đến Hà Nội, một trong những điều quan trọng là phải xây dựng văn hóa ẩm thực Hà Nội, biến nó trở thành một sản phẩm du lịch, một điểm “hút” du khách. “Ẩm thực sẽ giúp du khách thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, khám phá những tinh hoa nghệ thuật ẩm thực vì đây chính là nét đặc trưng nhất của nền văn hóa tại địa phương nơi mà họ sẽ đặt chân đến. Những món ăn đồ uống sẽ giúp cho họ có một cái nhìn toàn diện hơn về địa phương đó. Đồng thời cũng là cách tìm hiểu sâu sắc hơn về hồn dân tộc, về những nét đẹp trong phong cách ăn uống của mỗi dân tộc”, một chuyên gia du lịch cho biết.
Việc nghiên cứu tìm hiểu văn hóa ẩm thực vốn có của Hà Nội vào việc phát triển du lịch sẽ thu hút được thực khách bốn phương đến tham quan và thưởng thức, đem lại lợi ích kinh tế cao và phát huy, gìn giữ những giá trị nghệ thuật tinh túy mà cha ông để lại.
Trần Hữu Nhân
(Giảng viên trường Cao đẳng du lịch Hà Nội)