Doanh nghiệp nhỏ vẫn “ngóng” vốn vay rẻ
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống ở đường Thanh Niên (Hà Nội) cho biết: Với mức giảm lãi suất điều hành thêm 0,25% và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng giảm 0,5% lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực thì nếu doanh nghiệp đang có dư nợ 10 tỷ thì một năm sẽ giảm được 50 triệu đồng. Tiền lãi trả theo mức bình thường là 700 triệu đồng/năm, xuống còn 650 triệu đồng/năm. Số tiền giảm không nhiều nhưng việc tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn cũng là điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhỏ vẫn ngóng chính sách vay vốn giá rẻ và điều kiện vay vốn thông thoáng hơn. Ảnh minh họa. |
Còn ông Lý Thành Sinh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May thêu Minh Long Hưng cho rằng, với những doanh nghiệp lớn, vay hàng trăm tỉ đồng để đầu tư thì giảm lãi suất 0,5%/năm là một mức giảm đáng kể, tiết kiệm được khoản tiền lớn. Đối với các đơn vị, cá nhân vay ít thì mức giảm trên “chẳng thấm tháp gì”.
“Vấn đề không chỉ là giảm lãi suất mà quan trọng là làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn ngân hàng. Bởi có một thực tế là vay tiền mua nhà, đất, ô tô thì dễ nhưng vay tiền mua cái máy để in, thêu… không đơn giản. Trong khi đó máy móc mới là phương tiện để doanh nghiệp giải quyết bài toán về giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh. Đó là chưa kể thời gian cho vay để sản xuất, kinh doanh rất khó khăn, dài lắm thì được vay chín tháng, còn bình thường thì chỉ được sáu tháng. Nhiều khi khoản vốn vay chưa tạo ra hàng hóa sản phẩm đã phải lo đáo hạn.
Theo Chủ tịch Hôi doanh nghiệp trẻ Bùi Văn Quân, động thái giảm lãi suất cho vay của NHNN vừa qua đã thể hiện sự động hành của ngành ngân hàng với doanh nghiệp. Việc hạ lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá thành, từ đó việc kinh doanh có hiệu quả tốt hơn. “Các doanh nghiệp có thể tạo vốn trung để đầu tư, vốn ngắn hạn thì quay vòng, để mua nguyên liệu chất lượng cao hơn để phát triển. Việc NHNN chỉ hạ lãi suất cho vay, giữ huy động là có lợi cho người gửi”, ông Quân nói.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng chia sẻ: Việc tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ vẫn còn khá gian nan. Trên thực tế, với các doanh nghiệp có lịch sử kinh doanh tốt, phương án kinh doanh thuận lợi, lĩnh vực kinh doanh ưu tiên, các ngân hàng vẫn tạo điều kiện cho vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên với các doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp mới thành lập muốn tiếp cận thì phải đáp ứng nhiều yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định riêng của các ngân hàng thương mại hoặc phải có tài sản thế chấp.
Trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, NHNN đã chỉ đạo và từ ngày 10/7/2017, các TCTD đã thực hiện giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, như vậy mặt bằng lãi suất hiện nay khoảng 6-6,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn và khoảng 8-10,5% đối với trung và dài hạn, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Không chỉ giảm lãi suất, các cơ quan
quản lý cần cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi
cho doanh nghiệp hoạt động. Bởi nếu việc việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó,
chi phí đầu vào gia tăng, chi phí “không chính thức” lớn… các doanh
nghiệp sẽ khó có thể trả được nợ cũ, chưa nói tới việc đáp ứng điều kiện
để vay mới. Tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp cũng phải tái cơ cấu
sản xuất, nâng cao quản trị, sức cạnh tranh, minh bạch hệ thống tài
chính thì phía ngân hàng mới có thể “tiếp sức, đồng hành” cùng doanh
nghiệp.
Muốn hạ lãi suất thì phải xử lý nợ xấu
Nghị quyết phiên họp Chính phủ đã giao NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất từ 0,5-1%. Thực tế vừa qua, NHNN đã ra quyết định giảm lãi suất điều hành; đồng thời hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống 0,5%. Tuy nhiên, cho vay lĩnh vực ưu tiên chỉ chiếm một phần trong tổng dư nợ tín dụng 5 triệu tỷ đồng.
“Tính toán phác thảo, dư nợ tín dụng của Việt Nam khoảng trên 5 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì các doanh nghiệp dành được 50.000 tỷ đồng, cứ tính 5 đồng vốn 1 đồng lãi thì chúng ta đã có 10.000 tỷ đồng, riêng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp đã có 2.000 tỷ đồng và giúp tăng 0,25% GDP. Hay nợ công trong nước hiện khoảng 1 triệu tỷ đồng, nếu giảm lãi suất 1% thì tiết kiệm từ ngân sách khoảng 10.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói tại buổi làm việc mới đây của NHNN với Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, muốn hạ lãi suất thì phải xử lý nợ xấu nhưng không thể trong chốc lát. Không xử lý nợ xấu không thể hạ lãi suất. Bộ trưởng đã yêu cầu NHNN phải có giải pháp thực hiện sớm, thực hiện tốt Nghị quyết về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết, có hướng dẫn cụ thể.
Tính đến ngày 30/6, tín dụng tăng 9,06% so với cuối năm trước và là mức cao so với cùng kỳ các năm gần đây. Đặc biệt, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng chậm lại.
Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, công tác tái cơ cấu, xử lý nợ xấu cũng được triển khai quyết liệt, nhờ đó, nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%, hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) an toàn.
Người đứng đầu ngành ngân hàng cho rằng, mặc dù sau 4 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu và 3 năm thực hiện Đề án xử lý nợ xấu, hệ thống ngân hàng đã ổn định, an toàn, nhiều TCTD yếu kém được nhận diện song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Mặc dù nợ xấu được kiểm soát dưới 3%, nhưng xét về tổng thể cả nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn cao, cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện, xử lý.
Trên cơ sở theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống và từng TCTD, diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để chủ động, linh hoạt điều hành các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm thanh khoản hệ thống, cung ứng vốn có hiệu quả cho nền kinh tế, kiểm soát lạm phát.