Lãi suất tiền gửi ngân hàng nào đang cao nhất hiện nay?

Trong các kênh đầu tư sinh lời, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên gửi tiết kiệm vì vừa an toàn, vừa có lãi suất ổn định. Vậy ngân hàng nào có lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay?

Theo khảo sát mặt bằng lãi suất, khách hàng gửi thời hạn càng dài, lãi suất càng cao, phần lớn tập trung ở các ngân hàng nhỏ. Hiện nay, mức lãi suất đang được áp dụng ở các ngân hàng cao nhất là 8,2%/năm.

Kênh tiết kiệm đang được nhiều người dân lựa chọn để sinh lời.

Cụ thể, ngân hàng Bảo Việt có mức lãi suất là 8,2%/năm ở kỳ hạn 18 tháng. Tại Ngân hàng Việt Á, mức lãi suất 8%/năm đang được áp dụng ở kỳ hạn 24 tháng; kỳ hạn 18 và 36 tháng mức 7,8%/năm. Tại ngân hàng Eximbank, lãi suất ở kỳ hạn 24 và 36 tháng lên đến 8%/năm; kỳ hạn 15 tháng ở mức 7,5%/năm và 18 tháng ở mức 7,8%/năm.


Một số ngân hàng khác như SCB, PVComBank cũng có mức lãi suất huy động khá cao, dao động từ 7,7%/năm đến 7,75%/năm với các kỳ hạn dài từ 24 tháng đến 36 tháng. Ngân hàng LienVietPosBank, lãi suất huy động cho kỳ hạn 12 tháng đến 24 tháng lần lượt là 6,8%/năm – 7,2%/năm. Tại ngân hàng ACB, lãi suất huy động cho các kỳ hạn dài, từ 24 đến 36 tháng chỉ ở mức 6,5%/năm đến 6,8%/năm. Ngân hàng Đông Á Bank, lãi suất cho 24 tháng là 7,5%/năm, 12 tháng là 7,1%/năm. Ngân hàng Sacombank, lãi suất cho 24 tháng 7,3%/năm, 12 tháng là 6,8%/năm.


Với các ngân hàng lớn, lãi suất có chênh lệch thấp hơn với ngân hàng nhỏ, nhưng vẫn được các chuyên gia đánh giá ở mức cao. Cụ thể, ngân hàng BIDV có mức lãi suất ở các kỳ hạn từ 12 tháng đến 24 tháng lần lượt là 6,9%/năm – 7%/năm. Ngân hàng Vietinbank có mức lãi suất 6,8% cho cả kỳ hạn hạn 12 tháng và 24 tháng. Ngân hàng Techcombank có mức lãi suất từ 6,6%/năm – 6,7%/năm cho kỳ hạn lần lượt 12 tháng – 24 tháng. Vietcombank có mức lãi suất 6,5% cho cả hai kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng…


Ở các kỳ hạn ngắn, dưới 6 tháng, ngân hàng Việt Á đang huy động lãi suất kịch trần là 5,5%/năm ở kỳ hạn 1 và 3 tháng. Ngân hàng SCB đang huy động lãi suất 5,4%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, còn kỳ hạn 3 tháng có lãi suất là 5,5%.


Hiện ngoài kênh truyền thống là gửi tiết kiệm tại quầy, các ngân hàng cũng đang khuyến khích người dân gửi tiết kiệm online bằng cách cộng thêm 0,1 đến 0,2%/năm, tùy ngân hàng. Theo đó, các chuyên gia khuyên rằng người gửi tiền có thể tận dụng kênh này để hưởng lãi suất cao hơn.


Ngoài ra, kênh phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng đang được các ngân hàng đẩy mạnh lãi suất. Trong các đợt phát hành từ năm 2016 đến nay, hầu như chứng chỉ tiền gửi đều được bán hết và đáng chú ý là lãi suất đang ngày càng hấp dẫn.


Cụ thể, ngày 21/6, ACB công bố lãi suất đối với 2.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm đã phát hành năm 2016 áp dụng cho kỳ tính lãi từ 30/6/2017 đến 30/6/2018 với mức khá cao 8,55%/năm. Tuy nhiên, ACB vẫn chưa phải là ngân hàng áp dụng lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất. Tháng 3/2017, Sacombank phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng VND với mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 5 năm trở lên hoặc 7 năm với mức lãi suất lên tới 8,88%/năm.


Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất sẽ không có nhiều biến động trong năm nay vì hiện NHNN đã yêu cầu giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn và giảm lãi suất điều hành chủ chốt từ 0,25-0,5%. Do đó, tâm lý gửi tiền kỳ hạn ngắn và đợi đáo hạn với lãi suất cao hơn đã không còn phù hợp.


Vì vậy, các chuyên gia cho rằng người dân nên chọn ngân hàng uy tín có mức lãi suất cao để gửi kỳ hạn dài và nhận lãi cuối kỳ, hoặc mua chứng chỉ tiền gửi sẽ sinh lợi tối ưu đối với những người chuộng kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.


Hải Yên/Báo Tin Tức
Vì sao lãi suất huy động không giảm ?
Vì sao lãi suất huy động không giảm ?

Ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng, nếu điều chỉnh giảm lãi suất huy động thì tiền đồng sẽ “chảy” sang các kênh khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN