Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay, tung gói tín dụng nghìn tỷ

Một số ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục công bố các mức giảm lãi suất sau động thái hạ lãi suất điều hành và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên 0,5% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực từ ngày 10/7.

Đại diện Ngân hàng VietcomBank cho biết: Vietcombank đã giảm lãi suất cho vay đối với 5 đối tượng ưu tiên theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế được điều chỉnh giảm 0,5%/năm.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank. Ảnh minh họa: A.N.

Các lĩnh vực được điều chỉnh giảm lãi suất bao gồm: Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại; phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo quy định của Chính phủ về trợ giúp DNNVV; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.

Đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Eximbank giảm lãi suất cho vay từ 7,0%/năm xuống còn 6,5%/năm. Kể từ ngày 10/7, VietinBank tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với nhu cầu vốn.

“Ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh, dự án khả thi, hiệu quả; doanh nghiệp áp dụng các sáng kiến mới vào nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi đối với những doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, lành mạnh, sản xuất kinh doanh hiệu quả, ưu tiên những doanh nghiệp, cá nhân sử dụng toàn diện các sản phẩm dịch vụ của VietinBank”, đại diện VietinBank nói.

Theo lãnh đạo Agribank, năm 2016 và năm tháng đầu năm 2017, ngân hàng này đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay, triển khai bốn gói tín dụng ưu đãi lãi suất, thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5 - 1,5%/năm để hỗ trợ các khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Agribank cũng đã ban hành đồng bộ chính sách ưu đãi về lãi suất tiền gửi, tiền vay, phí thanh toán, phí dịch vụ và các chính sách khác để khách hàng có thể sử dụng nhiều gói sản phẩm, dịch vụ có tính liên kết của ngân hàng.

Bên cạnh việc giảm lãi suất theo mặt bằng chung, nhiều ngân hàng còn tung gói tín dụng hàng nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp.

Phía BIDV có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp với lãi suất từ 5,0%/năm. Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng ngắn hạn VND dành cho khách hàng mới thuộc đối tượng là DNNVV, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất cho vay từ 5,5%/năm.

Còn Sacombank đang triển khai gói 1.000 tỷ đồng vay ưu đãi phát triển nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với lãi suất vay từ 8,5%/năm trong 6 tháng đầu đối với vay ngắn hạn và 9%/năm trong 12 tháng đầu đối với vay trung hạn.

Tại Eximbank, ngân hàng này cũng đang triển khai gói 9.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ 7%/năm cho các sản phẩm cho vay ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với từng đối tượng khách hàng doanh nghiệp.

Trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp: tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường công tác quản trị rủi ro, Vietcombank đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp. Vietcombank đang triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội như: cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch (quy mô 10 nghìn tỷ đồng); cho vay ngành cấp nước sạch (quy mô 10 nghìn tỷ đồng); đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu (quy mô 10 nghìn tỷ đồng); hợp tác phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ (quy mô 10 nghìn tỷ đồng); cho vay phát triển ngành y tế (quy mô 30 nghìn tỷ đồng) …

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, để lãi suất cho vay thông thường giảm, NHNN sẽ phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khác như: kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp, không quá nóng, tránh tăng cung tiền, gây áp lực lên lạm phát và tạo áp lực lên tỷ giá. Bên cạnh đó, cần xem xét nâng trần lãi suất huy động đối với USD lên 0,25%/năm thay vì 0%/năm như hiện nay để giúp các tổ chức tín dụng huy động thêm nguồn ngoại tệ.

“Việc giảm lãi suất sẽ có tác động ra sao tới các chủ thể và toàn bộ nền kinh tế thì phải chờ độ trễ của chính sách. Động thái này cho thấy, NHNN đã có những động thái quyết liệt hơn nhằm định hướng thị trường thay vì chỉ kêu gọi các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất”, một chuyên gia kinh tế nói.

Minh Phương/Báo Tin Tức
Giảm lãi suất sẽ kích thích doanh nghiệp vay vốn
Giảm lãi suất sẽ kích thích doanh nghiệp vay vốn

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành 2 quyết định quan trọng liên quan đến lãi suất là giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; đồng thời giảm tối đa 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn kể từ ngày 10/7, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã hưởng ứng để giúp khách hàng có giá vốn tốt hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN