UNESCO đánh giá cao đóng góp thiết thực của Việt Nam

Việt Nam luôn là một trong những nước đi đầu và là tấm gương về triển khai thành công các chương trình, hoạt động của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO). UNESCO đánh giá cao những đóng góp thiết thực và cụ thể của Việt Nam cho việc thực hiện sứ mệnh chung của tổ chức.

Đây là phát biểu của bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO tại buổi tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Ảnh: Bích Hà/Phóng viên TTXVN tại Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong khuôn khổ tham dự Khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 201 diễn ra từ ngày 19/4 đến ngày 5/5 tại Paris, sáng 28/4, Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Trưởng đoàn Việt Nam, đã có cuộc chào xã giao, làm việc với bà Irina Bokova.

Phát biểu nhân dịp này, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã đánh giá cao vai trò, đóng góp của tổ chức UNESCO đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế; vui mừng trước những tiến triển trong mối quan hệ hợp tác ngày càng tốt đẹp giữa Việt Nam và UNESCO, đặc biệt trong việc triển khai hiệu quả Thỏa thuận hợp tác ký kết năm 2015 giữa hai bên; khẳng định Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia đóng góp vào quá trình định hướng hoạt động cũng như triển khai các hoạt động của UNESCO.

Thứ trưởng cũng thông báo việc Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, gắn liền với phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, do đó mong muốn được tiếp tục hợp tác và nhận sự hỗ trợ của UNESCO trong các vấn đề giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin.
 
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cũng cảm ơn đóng góp to lớn của cá nhân bà Irina Bokova đối với tổ chức UNESCO nói chung cũng như đối với việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và UNESCO trong thời gian qua. Nhân dịp này, Thứ trưởng đã mời bà Bokova sớm thăm Việt Nam để trao đổi những biện pháp cụ thể đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới.

Về phần mình, Tổng Giám đốc UNESCO bày tỏ vui mừng được đón tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam. Theo bà, việc Việt Nam chú trọng tới phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một chủ trương đúng, UNESCO sẽ luôn ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam trên những lĩnh vực chuyên môn có thế mạnh của mình. Bà Irina Bokova khẳng định luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam và dành cho Việt Nam tình cảm đặc biệt. Bà cũng vui mừng nhận lời mời thăm Việt Nam, đây sẽ là chuyến thăm lần thứ 3 của bà tới Việt Nam trên cương vị người đứng đầu tổ chức UNESCO.

Khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 201 đã tập trung thảo luận việc triển khai các chương trình, định hướng lớn của UNESCO, xây dựng chương trình và ngân sách giai đoạn 2018-2021, chuẩn bị nội dung cho Phiên họp Đại hội đồng lần thứ 39 sẽ diễn ra vào tháng 11 sắp tới.

Cũng trong khuôn khổ khóa họp, Hội đồng chấp hành đã tiến hành phỏng vấn 9 ứng cử viên cho chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021, trong đó có ứng cử viên của Việt Nam là Đại sứ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Sanh Châu.

Tại các phiên thảo luận của khóa họp, Thứ trưởng Lê Hoài Trung đã nêu những đề xuất của Việt Nam về các chương trình trọng điểm đối với hoạt động của UNESCO.

Thứ trưởng nhấn mạnh rằng trong tình hình thế giới hiện nay, UNESCO cần tiếp tục sứ mệnh cao cả là đóng góp vào việc gìn giữ hòa bình và xử lý những thách thức mới đặt ra như tình trạng gia tăng các vụ khủng bố và sự phát triển của chủ nghĩa cực đoan.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đóng góp ý kiến vào việc tăng cường kết nối chương trình nghị sự phát triển của Liên Hợp Quốc với các hoạt động của UNESCO, trao đổi ý kiến về phương thức huy động nguồn lực nhằm triển khai các dự án, chia sẻ kinh nghiệm trong sự hợp tác hiệu quả với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trong các chương trình khác nhau như con người và sinh quyển, chống biến đổi khí hậu, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo tồn các di sản vật thể và phi vật thể...

TTXVN/Tin Tức
Việt Nam lần đầu tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO
Việt Nam lần đầu tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO

Phần trình bày bằng tiếng Anh của Đại sứ Phạm Sanh Châu đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao vì sự rõ ràng, mạch lạc, với các đề xuất có tính thực tiễn cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN