Tuyên Quang ổn định đời sống, sản xuất cho người dân tái định cư

Khu tái định cư mới xã Lăng Quán, huyện Yên Sơn, nơi có 64 hộ dân đã rời mảnh đất "chôn nhau cắt rốn” ở xã Thúy Loa, huyện Na Hang, để nhường chỗ cho công trình thủy điện Tuyên Quang. Ông Hoàng Đình Thảo - Bí thư thôn 21 cho biết: Những ngày đầu khi chuyển về nơi ở mới (năm 2005) chưa quen với điều kiện, môi trường sống ở đây nên nhiều người nhất quyết đòi quay về quê cũ. Nhưng qua vận động, giải thích, thuyết phục của các cơ quan, bà con đã dần hiểu ra và yên tâm ở lại. Nhờ có sự động viên, giúp nhau phát triển kinh tế nên cuộc sống của bà con dần đi vào nề nếp và ổn định. Những ngôi nhà cũ giờ được thay thế bằng những ngôi nhà sàn đều tăm tắp chạy dọc theo con đường thôn với khuôn viên cây xanh, vườn rau,... rất quy củ và khoa học. Khi về định cư tại đây mỗi hộ được cấp 300 m2 đất để dựng nhà, ông Hoàng Đình Thảo cho biết thêm.


Cải thiện đời sống người dân


Gia đình chị Nguyễn Thị My là một trong những hộ có cuộc sống khá ổn định sau khi di chuyển đến nơi ở mới ở thôn 21, xã Lăng Quán. Chị My cho biết, khi còn ở nơi ở cũ, vào mùa khô nước sinh hoạt rất thiếu, điện sinh hoạt cũng không có. Nay đến nơi ở mới cơ sở hạ tầng được Nhà nước đầu tư đồng bộ nên cuộc sống người dân được cải thiện rất nhiều. Gia đình chị My sau khi đến nơi ở mới ngoài làm nông nghiệp, còn mở cửa hàng tạp hóa và đầu tư mua máy xay xát công suất lớn để phục vụ bà con trong vùng, kết hợp với việc nấu rượu ngô lấy bã nuôi lợn. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình chị thu vài chục triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi, buôn bán.


Các hộ dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang được đào tạo thêm nghề phụ (làm tăm tre) sau khi chuyển đến nơi ở mới xã Kim Phú, huyện Yên Sơn
(Tuyên Quang).


Ông Nguyễn Duy Chung, Chủ tịch UBND xã Lăng Quán khẳng định: “Mặc dù là thôn tái định cư, điều kiện kinh tế nhiều hộ còn khó khăn nhưng nhờ biết đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, giúp nhau về giống, vốn trong phát triển kinh tế gia đình nên đời sống người dân được cải thiện rất nhiều so với khi mới di chuyển đến. Hiện, tất cả số hộ trong thôn 21 (tái định cư) có phương tiện nghe nhìn, trên 90% số hộ sắm được xe máy làm phương tiện đi lại”… Những năm qua, công tác di dân, tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang luôn được tỉnh Tuyên Quang xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến cơ sở. Trong quá trình thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND các huyện, thành phố với các sở, ban ngành của tỉnh và cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn. Đến nay, đời sống văn hóa, xã hội các điểm tái định cư được cải thiện hơn so với nơi ở cũ; các điểm tái định cư đều được phủ sóng phát thanh, truyền hình, tất cả các điểm tái định cư có điện lưới quốc gia, có đường ô tô, các thôn tái định cư thành lập mới đều có nhà văn hóa, nhà lớp học mầm non. Con em đồng bào tái định cư được tạo điều kiện học tập, người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, đối tượng chính sách xã hội với người có công, hộ nghèo luôn được quan tâm…

Thực hiện dự án thủy điện Tuyên Quang, tỉnh phải di chuyển 4.139 hộ, với 20.138 nhân khẩu, thuộc 88 thôn, ở 11 xã thuộc vùng lòng hồ (trong đó có 4 xã phải di chuyển 100% số dân khỏi địa bàn). Số hộ di chuyển được bố trí ở tại 125 điểm tái định cư trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, hầu hết các hộ dân ở các điểm tái định cư đều đã ổn định đời sống, sản xuất.


Tăng cường quản lý


Tuy nhiên, công tác di dân tái định cư trên địa bàn tỉnh vẫn còn có những khó khăn, tồn tại như: Cơ cấu ngành nghề vẫn chưa có chuyển biến tích cực, nhiều hộ tái định cư không có đất vườn liền kề, đất màu và đất sản xuất lâm nghiệp; công tác đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở một số nơi còn thiếu đồng bộ, chưa thật sự hợp lý, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ di dân tái định cư tại một số địa phương còn chậm...

Những năm qua, công tác di dân, tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang luôn được tỉnh Tuyên Quang xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh, huyện đến cơ sở. Trong quá trình thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND các huyện, thành phố với các sở, ban ngành của tỉnh và cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn.


Khắc phục những tồn tại nêu trên và để tiếp tục ổn định và nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tái định cư thủy điện Tuyên Quang, ông Phạm Minh Huấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hiện tỉnh Tuyên Quang đang chỉ đạo các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể di dân tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang; bổ sung quy hoạch tổng thể di dân tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang đến từng khu, điểm, hộ gia đình tái định cư và các hộ sở tại; tăng cường trách nhiệm quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc tổ chức thực hiện điều chỉnh; gắn kết quả công tác di dân tái định cư với công tác đánh giá cán bộ hàng năm; bổ sung quy hoạch tổng thể và các cơ chế, chính sách liên quan về công tác di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang, nhằm thống nhất về nhận thức, tạo sự đồng thuận của các cấp, các ngành và nhân dân trong quá trình thực hiện; tập trung thực hiện các giải pháp mang tính đột phá, phát huy tính chủ động sáng tạo từ cơ sở, nhằm ổn định đời sống và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của đồng bào tái định cư; ưu tiên quỹ đất để bổ sung đất ở, đất sản xuất đối với những hộ tái định cư còn thiếu so với định mức...


Bài và ảnh:Vũ Quang Đán

Hoạt động của các Ban Chỉ đạo

* Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã ban hành kế hoạch phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn chuyên đề về công tác dân tộc, tôn giáo cho cán bộ hội phụ nữ vùng Tây Bắc năm 2013. Đây là một trong những nội dung nằm trong chương trình phối hợp công tác giữa Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc năm 2013.

* Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chuẩn bị sơ kết 4 năm thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa hai cơ quan. Theo đó, hai đơn vị tập trung vào 4 nội dung phối hợp công tác đã được hai cơ quan thống nhất tại văn bản số 13-CTPH/BCĐTB-TƯHCTĐ ngày 3/4/2009 là: Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; chăm lo vùng nghèo, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Công tác phối hợp chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất, phát triển tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ ở các địa phương trong vùng. Công tác phối hợp tuyên truyền, tôn vinh, khen thưởng, giới thiệu các điển hình tiên tiến trong hoạt động nhân đạo. Công tác phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề.

* Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, sáu tháng đầu năm các tỉnh trong khu vực đã duy trì thường xuyên việc kiểm tra, nắm tình hình, đôn đốc công tác bảo đảm an ninh chính trị và an ninh nông thôn. Hoàn thành báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW8 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng theo dõi, chỉ đạo công tác bóc gỡ FULRO, “Tin lành Đêga”, đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”, khảo sát đánh giá tình hình biên giới. Thường xuyên theo dõi nắm tình hình an ninh nông thôn và cùng với Thanh tra Chính phủ và các tỉnh chỉ đạo giải quyết có kết quả nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, góp phần bảo đảm an ninh nông thôn.

* Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đang tập trung đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện mục tiêu Bộ Chính trị chỉ đạo: Đến năm 2013 tất cả các buôn làng ở Tây Nguyên đều có đảng viên và đến năm 2015 tất cả các buôn làng đều có tổ chức Đảng. Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng đề án “Tiếp tục củng cố kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2013-2020”.

* Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Ban Chỉ đạo MDEC-Vĩnh Long 2013 vừa kiểm tra tiến độ triển khai các công việc chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng ĐBSCL năm 2013 và chuỗi sự kiện Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL Vĩnh Long năm 2013 tại 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, An Giang và Kiên Giang.

*Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vừa phối hợp với đại diện tập đoàn thép JFE Corporation Nhật Bản và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Trà Vinh đi thực tế, tìm hiểu điều kiện, tình hình giao thông nông thôn và kế hoạch phát triển giao thông của các địa phương…

* Tại trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã có buổi làm việc với thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhằm đánh giá kết quả hoạt động kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm của vùng ĐBSCL; đồng thời thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã phối hợp và tạo điều kiện rất tốt cho Ban Kinh tế Trung ương khi có công tác tại vùng Tây Nam Bộ.

 Thu Hồng - Viết Tôn - Bích Liên - Xuân Quang



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN