Ngày 14/5/1983, Tuần Tin Tức ra số báo đầu tiên. Đồng chí Đào Tùng, Tổng Giám đốc TTXVN trực tiếp làm Tổng biên tập. Khi ấy tôi là một trong hai người phụ trách Ban Biên tập Tin trong nước (anh Võ Thế Ái, Trưởng ban, đã nghỉ hưu). Bộ Biên tập cử tôi và anh Công Đắc, Trưởng Ban Biên tập Tin thế giới phụ trách trực tiếp việc làm báo; sau có quyết định làm Phó Tổng Biên tập.
Báo Tin tức đến với đồng bào các dân tộc thiểu số.Ảnh: Lê Phú |
Tuần Tin Tức ra đời vào thời kỳ ấy đáp ứng kịp thời yêu cầu mở rộng thông tin của quần chúng bạn đọc đối với TTXVN và cũng đáp ứng yêu cầu bức xúc của đội ngũ phóng viên Khối tin trong nước muốn có “một mảnh đất” để thi thố tài năng; ngoài viết tin rất muốn viết bài, chụp ảnh; nghĩa là làm một phóng viên báo chí, ngoài tin là chủ yếu cần được rèn luyện toàn năng các thể loại.
Thời gian đầu, Báo chưa có một tòa soạn riêng mà chỉ là ghép, kiêm nhiệm. Mỗi ban biên tập chọn tin, bài, ảnh hoàn chỉnh từng số mới qua tôi và anh Đắc (sau là anh Nguyễn Đức Giáp - Phó trưởng Ban BT Tin thế giới, thay anh Đắc) duyệt lại, trình anh Tùng rồi đưa in. Ban Biên tập Tin trong nước chúng tôi khi ấy chọn một số anh em làm chức năng gần như của tòa soạn: Vũ Duy Thông, Trần Tích, Đức Yên, Sỹ Chân... Sau khi Báo đã vào “guồng”, tòa soạn chính thức được thành lập; Bộ Biên tập bổ nhiệm anh Trần Mai Hạnh (Ủy viên Ban Biên tập Tin trong nước) làm thư ký tòa soạn; sau nữa bổ sung anh Hoàng Dương làm Trưởng phân xã Hà Nội về làm Phó Thư ký tòa soạn.
Phần tin thế giới vốn tài liệu phong phú, chỉ cần sàng lọc biên soạn lại. Chúng tôi lo nhất là nội dung phần trong nước của tờ báo. Cần chọn đưa những vấn đề gì vừa có tính chỉ đạo nhưng lại phải hấp dẫn. Khi bàn đến chất lượng tờ báo, anh em chúng tôi thường nói vui với nhau đem “bia” - phần tin, bài thế giới, bán kèm “nộm” - phần tin bài trong nước. Phải có “bia” mới bán được “nộm”. Nói vậy thôi chứ thâm tâm chúng tôi đều thống nhất quan điểm: phải mở rộng “cánh quạt” thông tin, tờ báo phải đề cập những vấn đề bức xúc mà quần chúng đang quan tâm tới, phải góp phần nâng cao kiến thức người đọc, cố gắng đi vào đời thường và giảm bớt tin công báo, tin hội nghị (vì đã đăng tải trên bản tin trong nước). Và, nhất là phải thay đổi phương pháp thể hiện bài, vở, viết sao cho hấp dẫn. Điều này phải rèn luyện rất nhiều bởi vì anh em phóng viên Khối tin trong nước đa phần chỉ quen “múa võ” tin, khi cần viết bài là khó khăn, cách thể hiện quanh quẩn một đoạn lại rơi vào thể loại tin.
Từ định hướng trên, Tuần Tin Tức bắt đầu cải tiến nghiệp vụ, thay đổi cách thông tin, cách tân lối thể hiện. Mỗi số báo chọn một bài “đinh”, một trọng điểm. Chẳng hạn mấy số đầu chúng tôi chọn vấn đề cấp huyện là vấn đề thời điểm ấy, từ đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Bộ Chính trị đến cấp ủy địa phương đang rất say sưa chỉ đạo. Chúng tôi biết đây là vấn đề khó khăn, bạn đọc bình thường chẳng mấy ai quan tâm. Đây chỉ là cái “hoa đỏ” mà phải có thêm nhiều “lá xanh” trên các trang báo. Chẳng hạn như phê phán cách điều hành giao thông qua cầu; tin “Cầu Long Biên, cây cầu dài nhất thế giới” nêu tình trạng ùn tắc xe cộ khi qua cầu khiến cây cầu dài hơn 1 km mà qua cầu phải mất mấy tiếng đồng hồ. Phê phán nạn phá rừng: “Ai là thủ phạm đốn cây trầm hương cổ thụ trong rừng Cúc Phương?”.
Chúng tôi thông tin chi tiết về thời tiết đối với du lịch, sức khỏe, mùa màng; tình hình sâu bệnh đối với cây trồng; dịch bệnh đối với gia súc. Chúng tôi đề nghị các phân xã thông tin nhanh về giá cả thị trường tự do ở các chợ thuộc các thành phố lớn, tỉnh lớn bên cạnh thông tin bảng giá của Ủy ban Vật giá Nhà nước. Loại tin này được đông đảo bạn đọc quan tâm theo dõi; giờ đây nó trở thành vấn đề của đời thường nhưng khi ấy lượng thông tin trên báo bị hạn chế. Ủy ban Vật giá cấm chúng tôi đưa tin giá cả thị trường tự do. Chúng tôi khuyến khích những tin thú vị như giữa hè có mưa tuyết ở Sa Pa. Hoặc, sương mù dày đặc ở một vùng biên ải nào đó gây trở ngại giao thông; sương muối làm chết lụi cây trồng… Góp phần mở rộng kiến thức người đọc, báo chọn viết chuyên sâu về sân khấu, hội họa, điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc. Còn nhớ bài và ảnh về “Phỏng sinh học” trong kiến trúc được một số bạn đọc giới trẻ quan tâm.
Báo còn có những số chuyên đề, những trang chuyên đề. Để có chuyên đề, tòa soạn phối hợp với các phân xã các tỉnh và cộng tác viên các bộ, các ngành. Tòa soạn làm việc với Ban Biên tập ảnh khuyến khích phóng viên ảnh (kể cả phóng viên tin) làm tin kèm ảnh, chọn nhóm ảnh đẹp đăng báo.
Nguyễn Văn Trường
Bài 2: Những bài có sức nặng “búa tạ”