Rất nghiêm khắc khi đứng trên bục giảng, nhưng khi đã được học cô giáo Mã Thị Xuân Thu, hầu hết các em học sinh Trường THPT Đầm Dơi (Cà Mau) đều quý mến, cảm phục bởi sự nhiệt tình, tận tụy của người giáo viên lịch sử đã 20 năm trong nghề này. Dịp 20/11 năm nay, cô giáo Mã Thị Xuân Thu đã vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú, sau gần 20 năm gắn bó với nghề. |
Em Trần Thị Thùy Dương, lớp 12A6, học sinh giỏi môn lịch sử của tỉnh tự hào cho biết: “Thành tích này của em có công lao rất lớn của cô giáo Thu. Cô đã truyền đạt kiến thức toàn diện và có hệ thống về môn học lịch sử, giúp em tự tin tham dự và được đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi vòng tỉnh”.
Với thành tích ba năm liền là học sinh giỏi môn lịch sử, em Trần Thị Ái Linh, lớp 12A6, tâm đắc: “Cô giáo Thu đã truyền lửa cho bộ môn lịch sử bằng phương pháp tư duy sáng tạo, nên đã cuốn hút chúng em chăm chú với tiết học, tiếp thu bài nhanh và nhớ lâu hơn”.
Cô giáo Mã Thị Xuân Thu được tập thể sư phạm nhà trường tín nhiệm, phân công làm Tổ trưởng tổ sử - địa - giáo dục công dân. Ở cương vị này, cô đã dành nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn lịch sử. Sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Thu về “Phương pháp nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn lịch sử ở trường THPT’’ được Hội đồng khoa học ngành Giáo dục -Đào tạo tỉnh Cà Mau xếp loại khá và được ứng dụng rộng rãi. Từ năm 2010 - 2012, cô giáo Thu cũng đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn lịch sử, nhằm phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Các đề tài sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Thu đều được Hội đồng khoa học của ngành đánh giá cao; trong đó, đề tài “Đổi mới kiểm tra, đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn lịch sử ở trường THPT” được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau chọn báo cáo tại “Hội thảo khoa học Quốc gia về dạy học Lịch sử”, diễn ra tháng 8/2012.
Với cô giáo Thu, môn lịch sử là môn học rất quan trọng, giúp các em học sinh có kiến thức cơ bản về lịch sử Việt Nam và Thế giới. Do vậy, nếu giáo viên bộ môn soạn giáo án sơ sài, truyền đạt thiếu hấp dẫn thì tiết học đó coi như không đạt chất lượng, học sinh khó tiếp thu bài giảng và tạo cảm giác cho các em sợ học sử. Cô Thu chia sẻ kinh nghiệm: “Có lần tôi bận việc gia đình nên soạn giáo án hơi vội. Kết quả tiết học hôm đó, quan sát các em học sinh dưới lớp chẳng khác gì những “chú nai vàng ngơ ngác”. Sau sự cố duy nhất ấy, tôi trăn trở đến mất ăn, mất ngủ. Với sự quyết tâm nghiên cứu, tìm tòi học hỏi, tôi đã đúc kết cho bản thân một phương pháp giảng dạy cuốn hút học sinh đam mê học môn lịch sử. Đó là giáo viên phải soạn thật kỹ giáo án trước giờ lên lớp, kết hợp với phương pháp truyền đạt kiến thức môn lịch sử bằng hệ thống tư duy logic; minh họa bằng những hình ảnh trực quan sinh động: bản đồ, đồ họa, tranh vẽ; nêu câu hỏi đặt vấn đề buộc học sinh phải tư duy. Điều không kém phần quan trọng nữa đó là trong tiết học sử, giáo viên phải kể những mẩu chuyện thú vị gắn với chủ đề, nội dung bám sát bài giảng. Nhờ đó các em cảm thấy sảng khoái, hứng thú và càng đam mê học bộ môn lịch sử hơn. Với phương pháp giảng dạy sáng tạo này, các em học sinh sẽ hiểu đầy đủ, sâu sắc, nắm vững kiến thức môn về lịch sử”.
Kim Há