Trưởng Bon học Bác để xây dựng quê hương giàu đẹp

Ông Điểu Hót, 42 tuổi, Bon trưởng bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, Đắk Nông là một tấm gương điển hình của phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cả tỉnh nói chung và cộng đồng người M’Nông nói riêng.

Chính nhờ học Bác triết lý trọng dân, gần dân và nêu gương cho dân mà ông đã làm được nhiều việc thiết thực cho cộng đồng, giúp bon Điêng Đu thay da đổi thịt, đời sống người dân ổn định, vươn lên khấm khá.

Ông Điểu Hót kể, cách đây gần 5 năm, ông được xã, huyện phổ biến về việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.Từng là cán bộ mặt trận, ông rất ấn tượng với lời dạy của Bác về công tác dân vận rằng “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, nên ngay lập tức ông áp dụng lời dạy này vào tình hình thực tế tại địa phương để hưởng ứng phong trào học tập làm theo gương Bác.

Ông Điểu Hót vận động bà con gìn giữ nghề dệt truyền thống. Ảnh: baodaknong.org.vn

Xã Đắk Ngo cách đây 5 năm vẫn còn ngổn ngang nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó nổi bật là việc bảo vệ rừng và thực hiện Cuộc vận động toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện hiệu quả việc bảo vệ rừng, ông Điểu Hót tự mình đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào M’Nông không chặt phá rừng, xâm canh rừng làm nương rẫy; đồng thời, kết hợp với các công ty lâm nghiệp tổ chức để người dân ký cam kết không chặt phá rừng, tham gia phòng cháy chữa cháy rừng; bên cạnh đó, ông cũng chung tay với địa phương vận động người dân tham gia hiến đất, ngày công để xây dựng, mở rộng đường nông thôn trong bon, xã, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, con em đến trường...

Tuy nhiên, điều ông trăn trở là cuộc sống của người dân trong bon vẫn còn nhiều khó khăn. Do tình trạng thiếu hụt nước tưới vào mùa nắng, phần lớn người dân tại đây chỉ trồng một số loại cây như điều, sắn, đậu... nên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, giá cả lại bấp bênh, thu nhập không cao. Khi huyện chủ trương xây dựng đập nước tại bản Đoàn Kết của xã Đắk Ngo, ông đã thuyết phục người thân trong gia đình hiến gần 2 ha thuộc khu vực xây dựng chân đập nước. Nhiều hộ dân khác trong bon có đất thuộc khu vực xây đập cũng đã hưởng ứng hiến đất. Khi đập nước được hoàn thành, người dân đã bớt khó khăn do thiếu hụt nguồn nước, các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, tiêu... được bà con tập trung trồng, chăm sóc đã giúp nâng cao thu nhập, cải thiện rõ rệt đời sống cộng đồng M’Nông tại đây. “Chính gia đình tôi cũng được hưởng lợi từ việc xây dựng đập nước. Từ chỗ chỉ trồng điều, trồng mì, gia đình tôi đã trồng thêm tiêu, cà phê trên diện tích gần 4 ha đất sẵn có. Hiện nay, thu nhập mỗi năm sau khi trừ hết chi phí cũng trên dưới 300 triệu đồng”, ông chia sẻ.

Nhờ cố gắng của ông Điểu Hót, các hoạt động văn hóa của xã Đắk Ngo đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: baodaknong.org.vn

Bên cạnh đó, ông Điểu Hót còn được người dân địa phương, nhất là đồng bào M’Nông biết đến là một người xông xáo, nhiệt tình trong việc vận động bà con gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho đến bảo tồn cồng chiêng và các nghi thức thờ cúng của đồng bào M’Nông. Với những thành tích đạt được, ông Điểu Hót đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Nông tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hiện ông là Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đắk Ngo và vẫn học tập và làm theo Bác từ những việc làm hàng ngày, để góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hưng Thịnh
Kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà Bác Hồ ở Tây Nguyên
Kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhà Bác Hồ ở Tây Nguyên

Theo quan niệm của người dân Tây Nguyên, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, được coi là "ngôi nhà" nơi Bác Hồ vẫn đang ở và làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN