Theo quan niệm của người dân Tây Nguyên, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, được coi là "ngôi nhà" nơi Bác Hồ vẫn đang ở và làm việc. Thường vào các ngày lễ, ngày tết truyền thống, bà con lại lũ lượt kéo nhau về nhà Bác để thăm, để nghe những lời Bác dặn dò với bao tình cảm thiêng liêng của vị Cha già dân tộc. Mỗi lần được đến thăm Bác, trong lòng bà con lại trào dâng bao niềm vui và bồi hồi xúc động, bởi được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh và hiện vật được trưng bày, như Bác đang còn ở đâu đây và rất gần gũi với người dân Tây Nguyên...
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lòng Bác rất mong muốn và lòng dân Tây Nguyên cũng rất mong đợi, được một lần đón Bác vào thăm. Song điều kiện chiến tranh không cho phép. Rồi Bác đi xa mãi mãi...
Tưởng nhớ đến Bác, sau ngày thống nhất đất nước, năm 1982, đồng bào Tây Nguyên đã xây dựng nhà ở cho Bác với tấm lòng thành kính "Không được đón Bác vào thăm thì nay làm nhà rước Bác về ở", để người dân Tây nguyên có điều kiện gần gũi bên Bác.
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, số 1 Phan Đình Phùng, thành phố Plâycu. |
Nhà ở của Bác được làm trong 3 năm, đến năm 1984 mới hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum ngày nay. Bảo tàng được xây dựng ngay tại trung tâm thành phố Plâycu, nơi giao lưu giữa các trục đường chính, với tổng diện tích 8.767 m2, trong đó nhà làm việc và khu trưng bày là 700 m2, diện tích còn lại là khuôn viên vườn hoa, cây cảnh, hồ sen, ao cá...
Nhà ở của Bác - Bảo tàng Hồ Chí Minh thuộc Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum, là một công trình được hình thành từ sự quyết tâm cao của lòng dân Tây Nguyên. Đồng bào các dân tộc Bahnar, J'rai, Triêng, Dẻ... một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ, kiên cường, bất khuất đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc như ngày hôm nay. Nơi đây còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến tất cả cán bộ và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở Tây Nguyên nói chung và tại địa phương nói riêng. Hàng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh đón phục vụ trên 40.000 lượt người đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm và tham quan, học tập; đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số Bahnar, J'rai... ở các vùng sâu, vùng xa cũng về thăm Bác trong các dịp lễ hội.
Công việc nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật có liên quan đến cuộc đời hoạt động của Bác trong sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được cán bộ và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Bảo tàng hiện có hàng ngàn hình ảnh, tài liệu, hiện vật bằng kim loại, vải, chất liệu giấy có giá trị, được trưng bày trong không gian rộng và ấm áp, tạo diện mạo riêng vừa mang tính hiện đại vừa mang sắc thái Tây Nguyên. Những tài liệu và hiện vật tại đây đã được bảo quản tốt nên sau một thời gian dài sử dụng vẫn giữ được chất lượng. Gần đây, Bảo tàng đã xử lý 770 m2 trưng bày, kho lưu giữ hiện vật bằng hóa chất an toàn, nhằm tránh mối mọt xâm hại, thay thế và bổ sung toàn bộ hệ thống điện chiếu sáng...
Ông Nguyễn Thế Phương, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum cho biết: Không gian của Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay không đảm bảo cho việc trưng bày các tài liệu, hiện vật đang ngày càng sưu tầm được nhiều hơn. Bảo tàng lại nằm trong khuôn viên "Tượng đài Bác với các dân tộc Tây Nguyên", nên tỉnh Gia Lai quyết định đầu tư 60 tỷ đồng để nâng cấp Bảo tàng Hồ Chí Minh trong thời gian tới, đáp ứng nguyện vọng của lòng dân Tây Nguyên luôn hướng về Bác Hồ.
Bài và ảnh: Văn Thông