Hết Tết, ai nấy lại trở về với công việc của mình. Nhưng đâu đó, dường như Tết vẫn còn nhộn nhịp bởi cái không khí hào hứng, đông vui. Tại những lễ hội đền chùa, người người đổ dồn về đây cầu an lành, hạnh phúc. Nhưng nếu chỉ như thế thì đâu có nhộn nhịp. Nhộn nhịp là ở tít ngoài cổng kia. Nơi có hàng trăm gian hàng và vạn trò tiêu khiển.
Một năm cũng có vài dịp như Tết để người ta có thể mang cái tâm, cái đức của mình đến nơi linh thiêng bày tỏ lòng thành kính, cầu mong sự bình yên, no đủ. Lễ hội được mở ra là để đáp ứng tín ngưỡng của người dân. Một năm mới bắt đầu, ai ai cũng hy vọng năm sau phát hơn năm trước. Và vì thế, họ phải tìm đến chốn uy linh thì thầm với trời phật. Phú quý sinh lễ nghĩa. Trước kia nghèo khổ thì thắp nén hương thơm, lòng thành chứng giám. Nhưng xã hội phát triển, cuộc sống đầy đủ thì họ tìm đến chùa thiêng, đền lớn thì cầu mới linh nghiệm. Sự mong cầu của người dân là hết sức bình dị. Tuy nhiên không phải ai đến đền chùa, lễ hội cũng là để cầu mong.
Trên ti vi hay báo mạng, những ngày giữa tháng Giêng, đâu đâu cũng thấy những hình ảnh phản cảm nơi lễ hội. Phải chăng họ đi hội là để kiếm tiền, để thử độ đỏ đen hay để thể hiện mình đã có mặt ở đây? Từ xa xưa khi nói tới lễ hội là nghĩ tới đám đông. Mọi người tụ tập thành tâm trước phần lễ và thưởng thức phần hội. Đi hội điều đầu tiên là dâng sự thành tâm của mình trước thần linh trời phật, sau là tham gia cùng đám đông chơi những trò dân gian hoặc nghe những điệu hát dân ca. Để sau khi trở về, lòng mình thanh tịnh, phấn khởi cho một năm mới. Nhưng giờ đây, còn bao nhiêu lễ hội giữ được bản chất thuần túy? Có người mang hết tiền của đến sân lễ hội chơi bạc, rồi ẩu đả, đánh nhau; có người tận dụng thời cơ, chèo kéo khách mua hàng với giá cắt cổ. Có những trai thanh gái lịch khắc tên lên cột trụ chứng tỏ mình yêu nhau, và còn nhiều nhiều nữa. Hầu hết họ nghĩ lễ hội mà, ai cấm đâu, một năm mới có đôi ba lần, mà có cấm cũng chả làm gì được. Họ vẫn sống, thanh cao và sạch sẽ. Chỉ còn lễ hội là ngày một xấu đi.
Đến lễ hội là để tỏ tâm, cũng là dịp để nhìn lại văn hóa của dân tộc mình. Những cái xấu xuất hiện ta không thể đổ lỗi cho một cá nhân hay tập thể nào bởi đây là ý thức. Dù có cấm, có phạt nhưng ý thức ăn sâu thì đâu dễ bỏ. Hình ảnh của xã hội, của dân tộc đẹp hơn hay xấu đi là ở từng cá nhân. Xã hội sẽ tốt khi mỗi cá nhân tốt. Và ta chỉ có thể hy vọng vào điều đó. Hy vọng rằng hàng năm tới mùa lễ hội ta sẽ không còn thấy báo đài réo rắt câu “hình ảnh phản cảm”…
Nguyễn Lành