Thoả thuận TPP đã hoàn tất nhưng chưa đi vào hiện thực. Các điều khoản mở rộng thương mại và tự do hoá các quy định sau đường biên giới ở mức cao cần phải được Quốc hội tại các nước thành viên phê chuẩn, trong đó bao gồm cả quá trình thảo luận tại Quốc hội Mỹ được dự kiến là đầy chông gai. Song, thỏa thuận này chắc chắn sẽ không bị đổ vỡ bởi có quá nhiều nhóm lợi ích có thể được hưởng lợi từ văn kiện này. Cho dù thỏa thuận này vẫn còn nhược điểm song những nước đã ký văn kiện này có thể kết luận rằng nên thực hiện hơn là bỏ rơi nó.
Trong khi các nhóm lợi ích đang dò từng chi tiết trong tập dự thảo đến 6.000 trang và đưa ra các lời phàn nàn, bây giờ đã đến lúc cần nhìn vượt ra ngoài phạm vi đàm phán, thỏa thuận cần được phê chuẩn. Chúng ta cần suy nghĩ về các bước tiếp theo để phát huy các lợi ích.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) bàn thảo về Hiệp định lịch sử TPP vừa đạt được với 11 quốc gia đối tác, tại Bộ Nông nghiệp ở Washington ngày 6/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Như nguyên tắc chung, việc lập các nhóm thương mại lớn sẽ tốt hơn lập các nhóm nhỏ vì các nhóm lớn ít khả năng tạo ra sự chuyển hướng thương mại ra ngoài như hoạt động nhập khẩu của các thành viên trong nhóm sẽ thay thế cho việc nhập khẩu từ các nước ngoài nhóm, kể cả khi các nước ngoài nhóm chào mức giá cạnh tranh hơn. Dĩ nhiên, thương mại đa phương là tối ưu song Tổ chức Thương mại thế giới không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy có thể đạt tiến bộ. Các hiệp định thương mại nhiều bên như TPP vẫn có những yếu điểm song với 12 nước thành viên, chiếm 1/3 thương mại thế giới, TPP sẽ có ít có chuyển hướng thương mại ra ngoài khối hơn nêu so với các hiệp định thương mại ưu đãi song phương mà hiện nay đã trở nên phổ biến.
Vậy lợi ích của một nhóm thương mại lớn hơn là gì? Mô hình toán kinh tế của Peter Petri, Michael Plummer và Fan Zhai, do Trung tâm nghiên cứu Đông-Tây tại Honolulu phát hành với sự hỗ trợ của Viện nghiên cứu Peterson tại Washington, đã chỉ ra rằng TPP chỉ đem lại những lợi ích vừa phải nhưng một khung hợp tác tương tự gồm toàn bộ châu Á – Thái Bình Dương sẽ đem lại lợi ích lớn hơn.
Họ ước tính với cơ cấu hiện tại, TPP sẽ tăng thu nhập hàng năm thêm 295 tỷ USD nhưng con số này sẽ là 1,9 nghìn tỷ USD nếu TPP bao gồm tất cả các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nếu TPP được thực thi, Tổng sản phẩm quốc nội thế giới sẽ tăng 0,3% nhưng nếu TPP bao gồm toàn bộ khu vực thì con số này sẽ là gần 2%. Thông điệp này rất có sức mạnh. Nếu chỉ ngừng lại ở nhóm thành viên hiện nay thì TPP chỉ có lợi ích vừa phải nhưng nếu mở rộng TPP thì thì lợi ích sẽ là cấp số nhân.
Đã có triển vọng về một số nước châu Á sẽ tham gia TPP. Dễ nhất là Hàn Quốc, vừa hoàn tất hiệp định tự do thương mại song phương với Canada. Với Indonesia, Tổng thống Joko Widodo bày tỏ sự quan tâm với TPP khi ông thăm Mỹ hồi đầu năm nay bất chấp sự phản đối trong nước.
Sự quan tâm còn lại hiển nhiên là Trung Quốc. Trong khi Mỹ rất nhiệt tình khuyến khích các nước như Indonesia tham gia thì cách nói của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc lại mang tính nước đôi, thậm chí là không chào đón. Tổng thống Barack Obama đã “bán” TPP cho Quốc hội với lời tán tụng TPP là cơ hội để Mỹ đưa ra những quy định thương mại của châu Á hơn là để cho Trung Quốc làm việc này. Ông nói: “Trung Quốc muốn tự mình viết ra quy định thương mại cho khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới này và điều này khiến cho công nhân, doanh nghiệp chúng ta rơi vào thế bất lợi. Vậy tại sao chúng ta để điều đó xảy ra. Chúng ta cần viết các quy định đó, chúng ta cần làm chủ sân chơi này”.
Tuy nhiên, trong khi phủ nhận TPP là một phần trong nỗ lực nhằm kiềm chế Trung Quốc, ông Obama lại đưa ra với Bắc Kinh lời mời gần như là một lời mời công khai về việc tham gia TPP. Ông nói: “Có một số gợi ý rằng bằng việc thực thi TPP, chúng ta đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc hoặc khiến cho Trung Quốc gặp khó khăn. Chúng ta thật sự không làm thế. Những gì chúng ta đang làm là đảm bảo rằng không phải là một cuộc chạy đua về đích mà là lập ra một chuẩn mực phù hợp để chúng ta có thể hoạt động trong phạm vi đó. Và chúng ta hy vọng rằng rồi đây Trung Quốc sẽ tham gia với chúng ta không nhất thiết phải theo hình thức trở thành một thành viên của TPP mà là chấp nhận những quy định tốt nhất để đảm bảo sự công bằng trong hoạt động thương mại”.
Cùng thời điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashon Carter nói rằng: “Thông qua TPP là một việc quan trọng đối với tôi như một tàu sân bay vậy”. Quan điểm này, được đưa ra trong phạm vi chính sách tái cân bằng tại châu Á của Mỹ, thể hiện TPP theo một cách thức hiếu chiến hơn là một cách thức hợp tác. Quan điểm đối đầu này đang khá phổ biến. Báo New York Times đánh giá TPP là một thắng lợi của Mỹ trong cuộc chạy đua với Trung Quốc để tranh giành ảnh hưởng tại châu Á. Đương nhiên, Mỹ sẽ không khuất phục trước Trung Quốc hoặc đặt ra một bộ quy định thương mại đối đầu với một nền kinh tế bao cấp hay là mô hình kinh tế thị trường theo kiểu Trung Quốc. Có một phương án thay thế - một chính sách kiên định vừa giúp hỗ trợ những nước mà Trung Quốc đang thách thức, như ở Biển Đông, đồng thời cho Trung Quốc cơ hội trở thành một “cổ đông có trách nhiệm đầy đủ” trong một trật tự kinh tế quốc tế mới.
Có thể đây là sự cố ý khi gạt Trung Quốc ra ngoài lề trong tiến trình đàm phán để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thương lượng và xây dựng một bộ quy định phù hợp với định hướng thị trường của Mỹ. Với các quy định đó, Trung Quốc phải chấp nhận nếu muốn tham gia TPP như nước này đã chấp nhận các quy định của WTO khi tham gia vào năm 2001.
Nhà kinh tế Petri nói rằng: “Với vai trò quy mô và chiến lược Trung Quốc trong khu vực, rất khó để hình dung tương lai của hệ thống thương mại châu Á – Thái Bình Dương nếu không có vai trò trung tâm cho Trung Quốc”. Lập luận cho rằng nền kinh tế Trung Quốc chưa sẵn sàng cho các quy định “tiêu chuẩn bạch kim” của TPP là không hợp lý. Tất nhiên, Trung Quốc là một nền kinh tế có nhiều doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam, với những đặc tính gần như vậy, đã trở thành thành viên của TPP. Về phần mình, Trung Quốc không thể hiện phản ứng lớn nào khi bị loại ra khỏi cuộc chơi. Vì vậy, đây sẽ là sự thuận lợi nếu Trung Quốc vào TPP. Không chỉ vào TPP sẽ mở ra cơ hội thương mại với các nước thành viên TPP, mà bộ quy định “tiêu chuẩn bạch kim” sẽ đưa Trung Quốc đi theo chiều hướng mà nhiều nhà cải cách ở nước này mong muốn.
Trung Quốc có thể tận dụng nghiên cứu của Petri để nhắc nhở thế giới và Mỹ rằng TPP ước tính sẽ chiếm tới 0,3% GDP của Trung Quốc hàng năm. Vấn đề hiện nay là nhiều nước chủ chốt trong TPP không hào hứng với việc mở rộng. Cả Mỹ và Nhật Bản dường như không có ý định đưa ra một lời mời nhiệt tình hơn với Trung Quốc.
Vậy bây giờ vai trò tiên phong ở đây là của Australia do nước này chiếm một phần rất lớn trong tiềm năng thương mại tại châu Á. Australia không chỉ khuyến khích Trung Quốc xin gia nhập TPP mà còn sử dụng mối quan hệ mật thiết của mình với Mỹ để hoá giải những quan điểm ngăn cản từ những nước như Nhật Bản. Vì những lợi ích kinh tế, không có lý do gì để loại Trung Quốc khỏi TPP.