Tổng thống Ai Cập hủy bỏ tuyên bố hiến pháp 22/11

Quân đội ra tối hậu thư

 

Trong một động thái được xem là đã đẩy lùi được cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng tại Ai Cập, Tổng thống nước này Mohamed Morsi ngày 9/12 đã ban hành tuyên bố hiến pháp mới với điều khoản đầu tiên là hủy bỏ tuyên bố hiến pháp ban hành hôm 22/11 vừa qua.


 

Công binh Ai Cập xây dựng bức tường bê tông bảo vệ thứ ba bao quanh dinh tổng thống ngày 9/12/2012. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Thủ tướng Ai Cập Hisham Qandil cùng ngày nhấn mạnh, Tổng thống Morsi ban hành tuyên bố hiến pháp mới nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Tuy nhiên, ông Qandil cho biết cuộc trưng cầu ý dân vẫn diễn ra theo kế hoạch vào ngày 15/12 tới. Theo ông Qandil, Tổng thống Morsi đã chấp thuận đề xuất của các lực lượng chính trị về việc thành lập một ủy ban sửa đổi tuyên bố hiến pháp.


Truyền hình Ai Cập ngày 9/12 cũng đưa tin cuộc trưng cầu dân ý vẫn diễn ra theo kế hoạch và người dân Ai Cập sẽ đi bỏ phiếu để lựa chọn giữa việc ủng hộ tuyên bố hiến pháp mới hoặc thành lập một Hội đồng Lập hiến mới.


Giới phân tích đánh giá việc hủy bỏ tuyên bố hiến pháp ngày 22/11 là một sự nhượng bộ của Tổng thống Morsi, nhưng chưa rõ liệu sự nhượng bộ này có làm hài lòng phe đối lập hay không.


Trước đó, chiều 8/12, hơn 40 đại diện các lực lượng chính trị và chuyên gia pháp lý Ai Cập đã tham gia cuộc “đối thoại dân tộc” kéo dài gần 9 giờ đồng hồ, theo lời kêu gọi của Tổng thống Morsi. Tuy nhiên, phần lớn các lực lượng chính trị đối lập đã tẩy chay cuộc đối thoại này trong khi đám đông người biểu tình đối lập vẫn tiếp tục tập trung trước phủ tổng thống.


Quyết định hủy bỏ tuyên bố hiến pháp hôm 22/11 được Tổng thống Morsi đưa ra giữa bối cảnh giới quân sự Ai Cập ngày 8/12 đã gửi tối hậu thư cho Tổng thống Morsi, cảnh báo chính phủ và phe đối lập phải cùng ngồi vào bàn đàm phán, nếu không quân đội sẽ thực hiện các biện pháp ngăn chặn “thảm họa” bất đồng giữa hai bên đang khiến tình hình đất nước xấu đi. Đây là động thái đầu tiên của quân đội Ai Cập kể từ khi bùng phát làn sóng biểu tình phản đối tuyên bố hiến pháp của Tổng thống Morsi trong hai tuần qua.


Tuyên bố trên của quân đội Ai Cập gây nhiều hoài nghi về khả năng liệu giới quân sự nước này có muốn “nhúng tay” vào việc điều hành một đất nước đang bị những bất đồng và bất ổn chính trị chia rẽ hay không. Chuyên gia Hassan Abu Taleb thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược al Ahram (Ai Cập) cho rằng, quân đội Ai Cập có thể đang thúc giục phe đối lập tham gia cuộc đối thoại và yêu cầu ông Morsi phải cố gắng hơn nữa để có thể thuyết phục họ ngồi vào bàn đàm phán; đồng thời loại trừ khả năng có sự can thiệp trực tiếp của quân đội.

 

Trong khi đó, cũng có rất nhiều người nhận định có khả năng quân đội sẽ tạm thời can thiệp có giới hạn nhằm cứu Ai Cập thoát khỏi cuộc xung đột dân sự nếu tình hình trở nên cấp bách. Theo ông Mahmoud Ghozlan, người phát ngôn của tổ chức Anh em Hồi giáo, tuyên bố trên thể hiện sự ủng hộ của quân đội đối với Tổng thống Morsi, song cũng báo hiệu việc quân đội sẽ lại can dự vào cuộc xung đột chính trị tại Ai Cập.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập) - H.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN