Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (tháng 8/2008) đến nay, tổng dư nợ các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Hà Nội đạt hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo đạt hơn 1.400 tỷ với 92.185 hộ nghèo còn dư nợ; dư nợ cho vay giải quyết việc làm đạt gần 1.000 tỷ với 45.412 khách hàng còn dư nợ; 69.259 học sinh sinh viên được vay vốn cho học tập với dư nợ hơn 1000 tỷ đồng...
Sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phú Tuấn ở xã Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội. |
Phú Xuyên là huyện có đến 124 làng có nghề, trong đó có 38 làng được công nhận là làng nghề truyền thống với hơn 22.000 hộ làm nghề. Việc cho vay ưu đãi tạo cú hích cho những hộ dân, những cơ sở phát triển nghề là cần thiết để tạo sự phát triển bền vững. Ông Phan Cao Quảng, Giám đốc NHCSXH huyện Phú Xuyên cho biết: “Vốn vay chương trình cho vay giải quyết việc làm không nhiều nhưng các hộ gia đình, cơ sở sản xuất được vay đã sử dụng khá tốt nguồn vốn vay ưu đãi này, không những tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn mà còn nâng cao giá trị sản xuất ở địa phương”.
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu mây tre đan Phú Tuấn, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên được NHCSXH cho vay 450 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, hiện công ty tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động và hàng trăm hô dân trong vùng gia công theo đơn đặt hàng của công ty. Giám đốc Nguyễn Văn May cho biết: “Khoản vay 450 triệu từ NHCSXH so với đầu tư của doanh nghiệp tuy không lớn nhưng nhờ lãi suất ưu đãi nên cũng đỡ phần nào lúc khó khăn, mặc dù thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do khủng hoảng kinh tế nhưng công ty vẫn có những thị trường truyền thống nhờ sản phẩm có uy tín, mẫu mã chất lượng tốt, hiện có hàng trăm hộ gia đình trong khu vực gia công hàng cho công ty, góp phần phát triển những làng nghề truyền thống mây tre đan. Có được chính sách ưu đãi từ NHCSXH, doanh nghiệp không những bớt khó khăn về vốn mà còn giúp nhiều lao động trong xã có việc làm ổn định”.
Cùng chung tâm trạng được hưởng lợi từ nguồn vốn vay ưu đãi, cơ sở sản xuất mây tre đan Ngọc Khánh ở xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ rất cần sự lưu tâm từ các cấp, các ngành, đặc biệt cần nhiều hỗ trợ từ vốn vay ưu đãi để các hộ gia đình, cơ sở có điều kiện duy trì, vững vàng sản xuất. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa, ông Vương Văn Cẩn cho biết: “Làng nghề mây tre đan Phú Vinh có từ lâu đời, hiện 95% hộ dân trong xã làm nghề mây tre đan xuất khẩu, đây cũng là một điểm du lịch làng nghề có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Những năm gần đây do khó khăn từ những bạn hàng cũng như nguyên liệu đầu vào tăng cao và nhiều yếu tố khác nên việc làm của người dân trong xã cũng giảm đáng kể. Nhưng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân, doanh nghiệp có điều kiện giảm giá thành, tăng mẫu mã nên một số cơ sở vẫn ổn định nguồn hàng và việc làm cho lao động trong xã”.
Các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH Hà Nội những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp dịch vụ, bên cạnh đó nhiều làng nghề truyền thống được quan tâm phục hồi và phát triển, thúc đẩy chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô. Đã có 998.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng khác được hưởng thụ vay vốn, nhờ nguồn vốn vay đã giúp 150.000 hộ thoát nghèo, thu hút trên 370.000 lao động... , đóng góp lớn cho việc giảm tỷ lệ hộ nghèo 5,23% (2008) xuống còn 1,52% (2012).
Bài và ảnh: Trần Việt