Tìm "thuốc" hạn chế tai biến y tế

Chấn chỉnh hệ thống giám sát chất lượng y tế


Thay vì chờ các địa phương nỗ lực hơn trong việc chỉ đạo công tác y tế, Bộ Y tế cần gấp rút củng cố lại hệ thống kiểm tra, giám sát chất lượng thì mới mong hạn chế được tai biến y tế. TS Trần Tuấn (ảnh), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã trao đổi với báo Tin Tức về vấn đề này.


 

* Để hạn chế những sự cố y tế nghiêm trọng như đã xảy ra thời gian qua, cần triển khai ngay giải pháp gì, thưa ông?


Để quản lý tốt toàn bộ hệ thống, thì ở bất kỳ lĩnh vực nào, các quyết định của nhà quản lý cũng phải dựa trên bằng chứng khoa học liên quan đến việc đảm bảo chất lượng. Nguyên tắc này đòi hỏi ngành y tế phải tiến hành thu thập thông tin về các sai sót y tế một cách khách quan. Sau đó phân tích, đánh giá đúng các nguyên nhân, để rồi tổ chức học tập, rút kinh nghiệm cho toàn hệ thống, nhằm chủ động ngăn ngừa sai sót.


Như vậy, để hạn chế tai biến y tế, Bộ Y tế cần phải coi việc chủ động giám sát chất lượng là nhiệm vụ sống còn và củng cố lại ngay việc triển khai hoạt động này trong toàn hệ thống (cả trong điều trị và y tế dự phòng). Nhưng bên cạnh đó, vẫn phải có sự giám sát, đánh giá chất lượng y tế độc lập do các cơ quan chuyên môn không trực thuộc hệ thống ngành y thực hiện.

 

Điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.Dương Ngọc - TTXVN

 

 

“Luật Khám, chữa bệnh, có hiệu lực từ 1/1/2011, đã cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức chứng nhận chất lượng y tế độc lập. Khi có bên thứ ba để đánh giá chất lượng y tế thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn là chỉ có đại diện các cơ quan của Bộ Y tế đứng ra “phán” là đúng hay là sai”.

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội

Nhưng đại diện Bộ Y tế khẳng định là ngành y tế vẫn thực hiện giám sát chất lượng thông qua các quy trình chuyên môn, sai sót xảy ra là do “con sâu bỏ rầu nồi canh”?


Đúng là mỗi cơ sở y tế, mỗi cấp quản lý trong hệ thống điều trị đều có hội đồng đánh giá chuyên môn, bình bệnh án, bình đơn thuốc, tìm nguyên nhân khi có tai biến... Thế nhưng, dù ở đâu thì thành viên của các Hội đồng chuyên môn cũng đều là cán bộ của ngành y. Điều đó đồng nghĩa với việc, việc đánh giá sai sót đó phụ thuộc hoàn toàn vào sự nhìn nhận “khách quan” giữa các đồng nghiệp với nhau. Trong trường hợp mà lỗi lầm do chính cơ chế quản lý tạo ra, thì chắc chắn việc phát hiện và khắc phục sai sót lại càng khó và chậm trễ. Ví dụ, như vụ nhân bản xét nghiệm tại BV đa khoa huyện Hoài Đức, hay vụ việc Thẩm mỹ viện Cát Tường gần đây... đâu có khó nhìn nguyên nhân sai sót, nhưng thử hỏi thực tế có hội đồng chuyên môn nào, có đơn vị quản lý nào đã chủ động phát hiện và ngăn chặn được hành vi sai phạm? Và tới đây, cơ quan nào sẽ đứng ra thừa nhận trách nhiệm và xử lý dứt điểm để ngăn ngừa tai biến tương tự?

 

* Việc tăng cường hoạt động giám sát chất lượng, đặc biệt là giám sát chất lượng độc lập như nêu trên, có khắc phục được triệt để tai biến y tế không, thưa ông?


Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Thái Lan... bên cạnh hệ thống giám sát của chính ngành y tế, còn có các tổ chức giám sát chất lượng y tế độc lập (không thuộc hệ thống y tế, mà chủ yếu từ các hội y học, hội bảo vệ người bệnh và các trung tâm khoa học quản lý phát triển...). Việc tồn tại song song hai hệ thống đánh giá chất lượng như vậy vừa góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vừa hạn chế được rất nhiều tai biến y tế.


Tháng 7/2013, tôi có đến thăm BV Ausburg ở Stuttgart, một trong 50 bệnh viện lớn hàng đầu của Đức. Ở đó, việc giám sát chất lượng theo quy chuẩn chuyên môn cũng thực hiện theo hai cơ chế: Giám sát nội bộ và giám sát độc lập. Riêng việc giám sát, đánh giá độc lập về quản lý hệ thống BV là do tổ chức kiểm định tư nhân DEKRA thực hiện hàng năm và cấp giấy chứng nhận kiểm định 3 năm/lần. Còn việc giám sát độc lập về mặt chuyên môn được thực hiện mỗi năm một lần và do từng hội chuyên khoa tiến hành: Hội nhi khoa đánh giá chất lượng nhi khoa, ngoại khoa đánh giá ngoại khoa... Bởi vậy, việc kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế tại BV Ausburg được thực hiện rất chặt chẽ, hiệu quả.


Theo tôi, bên cạnh việc củng cố lại hoạt động giám sát chất lượng trong toàn hệ thống, thì Việt Nam cần phải hình thành được một cơ chế giám sát chất lượng y tế độc lập như nêu trên. Khi đó, việc thu thập, phân tích, xử lý thông tin về các sai sót xảy ra sẽ minh bạch hơn và trở thành hoạt động thường quy. Trong từng BV, sẽ có bộ phận giám sát đánh giá nội bộ, xây dựng các mẫu báo cáo sai sót, khuyến khích người bệnh báo cáo sự không hài lòng, làm kiểm thảo tử vong, phân tích nguyên nhân mổ tử thi và giải phẫu bệnh... Tất cả tổng hợp thành báo cáo hàng ngày đưa ra giao ban, báo cáo khẩn cấp, báo cáo định kỳ.


Bên cạnh đó, hệ thống đánh giá chất lượng y tế độc lập cũng sẽ thực hiện đánh giá chất lượng dịch vụ tại từng cơ sở y tế. Những rủi ro do phản ứng thuốc hoặc tai biến chuyên môn... đều được phân tích và đăng tải trên các tạp chí chuyên môn, tạp chí công tác quản lý, đặc biệt sẽ được phổ biến trong toàn hệ thống nhằm cảnh báo, rút kinh nghiệm cho cán bộ toàn ngành, qua đó lấp đầy các khoảng trống có thể xảy ra rủi ro.


Xin cảm ơn ông!


Phương Liên (thực hiện)

Tìm 'thuốc' hạn chế tai biến y tế
Tìm 'thuốc' hạn chế tai biến y tế

Tai biến y tế nghiêm trọng xuất hiện ngày một nhiều, mức độ ngày một trầm trọng hơn. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp để hạn chế những sự cố y tế đáng tiếc?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN