Việc thông qua Hiến pháp sửa đổi là sự kiện có tính chất lịch sử. Hiến pháp sửa đổi lần này đã thể hiện tinh thần đổi mới, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, đưa đất nước phát triển.
Về bộ máy nhà nước, Hiến pháp đã tiếp tục đổi mới, kiện toàn theo nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” đã được đúc kết tại văn kiện Đại hội XI của Đảng nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền lực nhân dân.
Điểm nổi bật trong bộ máy nhà nước được sửa đổi lần này là đã quy định rõ các cơ quan thể hiện và thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp chứ không chung chung hoặc chưa xác định như trước: Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; Chính phủ thực hiện quyền hành pháp; Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp. Vị trí, vai trò của Chủ tịch nước được tăng cường hơn nhất là trong lĩnh vực hành pháp với quy định: “Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.
Nếu có gì đó chưa được thỏa mãn dưới góc độ một nhà nghiên cứu thì đó là Hiến pháp lần này vẫn chưa thể hiện được rõ cơ chế “kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước”; mô hình chính quyền địa phương còn chưa thấy nét “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” cũng như trách nhiệm phối hợp, chịu sự giám sát, phản biện giữa cơ quan chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đang rất cần phải tăng cường hiện nay. Hy vọng những điều này sẽ được thể hiện cụ thể trong các luật về tổ chức bộ máy nhà nước sau này.
Huyền Tím (ghi)