Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ - TTg ngày 4/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở tổ chức lại hoạt động của Ngân hàng Phục vụ người nghèo tách ra từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Qua 11 năm nỗ lực phấn đấu của toàn hệ thống, thương hiệu NHCSXH đã ở giữa lòng dân, cấp ủy và chính quyền các cấp.
Những con số ấn tượng
Ngày đầu mới thành lập, "gia tài" NHCSXH vẻn vẹn chỉ có hơn 7.000 tỷ đồng với 3 chương trình tín dụng, không trụ sở làm việc và cũng chưa có một tiền lệ nào về tín dụng chính sách... 11 năm qua, với tư duy và cách làm sáng tạo, NHCSXH đã xây dựng được mô hình quản lý tín dụng đặc thù, có hiệu lực và hiệu quả, đưa nguồn vốn chính sách Nhà nước xuống tận cấp xã một cách công khai, dân chủ. Cách làm này đã mang lại hiệu quả kinh tế và có ý nghĩa chính trị - xã hội.
Đồng vốn NHCSXH có mặt ở mọi miền Tổ quốc. |
Đến nay, ngân hàng đã thực hiện 24 chương trình tín dụng, trong đó 18 chương trình nguồn vốn trong nước và 6 chương trình từ nguồn vốn ủy thác của nước ngoài. Ngoài ra, còn có nhiều chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân ủy thác cho NHCSXH thực hiện. 11 năm qua, đã có hơn 22,7 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 2,7 triệu lao động; gần 100.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động; giúp hơn 3 triệu lượt học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 4,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 90.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL; gần 484.000 căn nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách.
NHCSXH đã phối hợp chặt chẽ cùng các tổ chức chính trị - xã hội tập huấn, trợ giúp kỹ thuật, hướng dẫn người dân cách làm ăn, sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả. Kết quả, rất nhiều hộ vay trả được nợ cho ngân hàng đầy đủ, đúng hạn và thoát nghèo. Điều này lý giải vì sao trong khi tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng khác là 2 con số, nhưng tỷ lệ nợ xấu của NHCSXH chỉ chưa đầy 2%/tổng dư nợ.
Thương hiệu từ nỗ lực vượt khó
NHCSXH là một ngân hàng đặc thù, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, mà vì sự nghiệp giảm nghèo, an sinh xã hội. Theo một chuyên gia của ngành ngân hàng, với khối lượng công việc đồ sộ, đưa tín dụng ưu đãi đến tận tay người được thụ hưởng ở vùng sâu, vùng xa nếu hoạt động đúng quy trình như các ngân hàng thương mại chí ít cũng cần tới 30.000 cán bộ. Nhưng với NHCSXH, từ 498 cán bộ khi mới bàn giao (năm 2003), đến nay toàn hệ thống cũng chỉ có trên 9.000 cán bộ.
Với phương châm một người biết nhiều việc, cán bộ tín dụng NHCSXH có thể kiêm lái xe, kế toán, thủ quỹ và ngược lại. Có thể nói đây là đặc thù không ngân hàng nào có được. Nắng cũng như mưa, ngày làm việc bình thường hay ngày nghỉ, cứ đến ngày giao dịch (cố định) tại xã là cán bộ NHCSXH lại có mặt phục vụ bà con. Hình ảnh quen thuộc này trở thành thương hiệu của NHCSXH.
Đồng hành cùng NHCSXH là 8.000 cán bộ kiêm nhiệm, 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác. Đến ngày 30/9/2013, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức đạt trên 116.423 tỷ đồng, chiếm 98% tổng dư nợ. Đồng thời, 4 tổ chức chính trị - xã hội thành lập, quản lý, chỉ đạo hoạt động đối với trên 202.000 tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua hơn một thập kỷ hoạt động, phương thức ủy thác tín dụng cho các tổ chức chính trị - xã hội được đúc kết lại là một phương thức hoàn toàn phù hợp với đặc thù của tín dụng chính sách; phù hợp với năng lực quản lý và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.
Phát triển bền vững
Phát huy những thành quả đã đạt được, trong Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2020, một mục tiêu cơ bản quan trọng mà ngân hàng phải vươn tới là sự phát triển bền vững, đảm bảo 100% hộ nghèo, đối tượng chính sách khi có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp xúc với nguồn vốn tín dụng ưu đãi do NHCSXH cung cấp.
Để thực hiện chiến lược này, ngoài nguồn vốn của Chính phủ, theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, cần tạo điều kiện để NHCSXH được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi không lãi hoặc phải trả lãi thấp, như vốn ODA, vốn tài trợ từ các nhà đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội để thực hiện kênh tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, cần yêu cầu các tổ chức tín dụng Nhà nước, tổ chức tín dụng Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, duy trì mức tiền gửi 2% tại NHCSXH theo đúng quy định; đồng thời khuyến khích các tổ chức tín dụng quan tâm, đầu tư trái phiếu NHCSXH.
Tính đến ngày 30/9/2013, NHCSXH đạt tổng dư nợ trên 118.446 tỷ đồng, gấp hơn 16,86 lần so với thời điểm nhận bàn giao, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 33%. Hiện có 7,1 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân 16,7 triệu đồng/hộ. |
Bài và ảnh: Việt Hải