Trong bối cảnh quan hệ hai nước tốt đẹp, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Nhật Bản tháng 6 vừa qua đã làm sâu sắc hơn quan hệ hai nước trên mọi lĩnh vực; thúc đẩy liên kết giữa hai nền kinh tế cả ở cấp trung ương và địa phương thông qua tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như đầu tư, thương mại, viện trợ phát triển chính thức (ODA), lao động, nông nghiệp, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm vì hòa bình, ổn định và sự phồn vinh chung tại khu vực và trên thế giới nói chung.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh với tốc độ bình quân khoảng gần 6%/năm trong 30 năm qua. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm nay ước tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) do Nikkei công bố đạt mức cao trong 22 tháng vừa qua và cao nhất trong ASEAN, thể hiện sức mua và năng lực sản xuất tăng ổn định, liên tục.
Về hướng đi của nền kinh tế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam kiên định phát triển kinh tế xã hội theo cơ chế thị trường, xác định ba lĩnh vực đột phá bao gồm: Phát triển nguồn nhân lực; Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; Phát triển hạ tầng. Do đó, để thực hiện các mục tiêu chiến lược này, nhu cầu về vốn là rất lớn, đặc biệt là các nguồn vốn đi kèm với chuyên môn và kinh nghiệm phát triển.
Trong lĩnh vực cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Năm 2017 đã hoàn thành cổ phần hóa 44 doanh nghiệp và năm 2018 dự kiến hoàn thành cổ phần hóa 64 doanh nghiệp. Chính phủ cũng vừa khai trương thị trường chứng khoán phái sinh, với sản phẩm giao dịch đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số VN30. Thị trường chứng khoán tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Tokyo, Ủy viên Hội đồng Quản trị tập đoàn chứng khoán Daiwa Keiko Tashiro đánh giá cao hội thảo lần này với sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp Nhật Bản. Khẳng định thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển ngày càng ổn định, minh bạch, bà Keiko cho biết tập đoàn chứng khoán Daiwa sẽ tiếp tục đầu tư vào Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) và mong muốn hỗ trợ tích cực hơn nữa trong các hoạt động nghiệp vụ chứng khoán.
Phát biểu tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ lo lắng về tính minh bạch, khách quan đối với quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như diễn biến tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và các lãnh đạo liên quan của Bộ Tài chính đã lần lượt trả lời các câu hỏi doanh nghiệp tham gia, giải tỏa thắc mắc cho doanh nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hy vọng các tập đoàn lớn về tài chính của Nhật Bản sẽ tham gia đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, trở thành nhà đầu tư chiến lược, đưa vốn, công nghệ quản lý, công nghệ cao vào Việt Nam.
Cùng ngày, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng có cuộc gặp với Quốc vụ khanh, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Imaeda Soichiro. Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã gửi lời chúc mừng tới Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso vừa được tái bổ nhiệm và đánh giá cao vai trò tích cực của Bộ Tài chính Nhật Bản đối với vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam thông qua nguồn vốn ODA trong những năm qua. Hai Bộ trưởng cũng trao đổi về thúc đẩy quan hệ hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong khuôn khổ hợp tác tài chính APEC và khuôn khổ hợp tác tài chính ASEAN+3.