Thúc đẩy đầu tư, kinh doanh thông qua trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới

Ngày 16/5, tại Ninh Bình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức hội thảo bên lề Hội nghị quan chức tài chính cao cấp APEC (SFOM) trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017. Chủ đề của hội thảo là "Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới".

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam; ông Julius Ceasar Parrenas, Điều hướng viên APEC, Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC; ông Tony Lythgoe, Trưởng IFC; đại diện lãnh đạo cấp cao các đơn vị trực thuộc Ngân hàng nhà nước, các cấp quản lý và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thông tin tín dụng đến từ các trung tâm thông tin tín dụng công, công ty thông tin tín dụng tư trong và ngoài nước, các chuyên gia, diễn giả đến từ các tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới có vai trò quan trọng và cần thiết trong thúc đẩy chất lượng, hiệu quả hoạt động đầu tư, kinh doanh của tất cả các nền kinh tế thành viên. Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng bày tỏ tin tưởng với sự quy tụ của các nhà hoạch định chính sách đại diện cho ngân hàng trung ương các nước, các trung tâm thông tin tín dụng công lập, công ty thông tin tín dụng tư nhân tại các nền kinh tế thành viên APEC và khu vực lân cận, Hội thảo sẽ tiếp thu được những kinh nghiệm quý, thực tiễn về những khó khăn, thách thức đối với chia sẻ thông tin tín dụng xuyên biên giới, từ đó sẽ có những bước đi phù hợp và tìm được tiếng nói chung trong việc hợp tác trao đổi thông tin.

Các nội dung chính được trao đổi tại hội thảo bao gồm: Sự cần thiết phải trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới, các yếu tố chính để xây dựng cơ chế trao đổi thông tin xuyên biên giới, xây dựng dự thảo biên bản thỏa thuận hợp tác và từ điển dữ liệu. Thông qua các ý kiến chia sẻ và thảo luận tại hội thảo, các đại biểu tham dự đến từ các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thông tin tín dụng trong khối APEC, khu vực ASEAN và ASEAN+3 nói chung cũng như các đơn vị hoạt động thông tin tín dụng tại Việt Nam nói riêng đều mong muốn góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống báo cáo tín dụng qua những vấn đề về cơ sở pháp lý và chuẩn hóa dữ liệu trong quá trình trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới; đồng thời chỉ ra những thách thức, triển vọng của quá trình chia sẻ thông tin tín dụng xuyên biên giới trong tương lai nhằm khẳng định vị thế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dựa trên lợi ích chung của 21 nền kinh tế thành viên.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh vấn đề trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nền kinh tế trên thế giới nói chung, trong khu vực APEC nói riêng và phù hợp với mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay. Các nội dung được trao đổi tại hội thảo được đánh giá đặc biệt quan trọng và cần thiết đối với Việt Nam, một nước đang phát triển với các khuôn khổ pháp lý, các chuẩn mực trong hoạt động thông tin tín dụng nói chung và vấn đề chia sẻ thông tin tín dụng xuyên biên giới nói riêng còn chưa được đầy đủ. Ngoài ra, các khuôn khổ pháp luật liên quan về bảo vệ người tiêu dùng, bảo mật dữ liệu cá nhân cũng chưa được đồng bộ. Do đó, việc xây dựng mô hình “Trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới” thành công sẽ góp phần đảm bảo công bằng, minh bạch trong hợp tác đầu tư, giảm thiểu tối đa những rủi ro do thông tin bất cân xứng mang lại.

Việc trao đổi thông tin tín dụng xuyên biên giới cũng sẽ mở ra cơ hội lớn đối với các tổ chức thông tin tín dụng trong việc tăng cường mở rộng hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và có thêm nguồn thông tin minh bạch, tin cậy, chính xác, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh và mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng của người dân ở mỗi quốc gia.

Thùy Dung (TTXVN)
'APEC cần giương cao ngọn cờ tự do hóa thương mại'
'APEC cần giương cao ngọn cờ tự do hóa thương mại'

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết: "Chủ nghĩa bảo hộ đã trỗi dậy ở một số nền kinh tế thành viên và đang trở thành rào cản đối với quá trình tự do hóa thương mại và liên kết kinh tế trong khu vực".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN