Các gian hàng quốc tế tham gia trưng bày các sản phẩm tại Triển lãm ProPak Vietnam 2017. Ảnh: Thế Anh/TTXVN |
Đây là nhận định chung của các diễn giả tại tại "Diễn đàn quốc tế phát triển kinh doanh thành công xuyên biên giới" do Hội Nữ Doanh nhân TP Hồ Chí Minh (HAWEE) và Câu lạc bộ Các doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, ngày 22/3.
Các diễn giả, những doanh nhân đã thành công trong việc phát triển doanh nghiệp ra thị trường thế giới cho rằng, xu hướng toàn cầu hóa đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của từng nước, việc nắm bắt cơ hội để phát triển kinh doanh vượt ra khỏi biên giới quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của doanh nghiệp.
Ông Trần Mạnh Huy, Giám đốc Công ty cổ phần V.B.P.O (công ty chuyên cung cấp các dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp) cho rằng, cơ hội thì rất nhiều nhưng vấn đề là những người bắt đầu khởi nghiệp và những doanh nghiệp muốn vươn mình ra thế giới có đủ tầm nhìn và sự nhạy bén để nhận ra hay không mà thôi.
Dù thế giới có thay đổi hay phát triển đến đâu thì chuỗi giá trị toàn cầu vẫn có “khoảng trống” dành cho những đối tượng lao động nhất định. Điển hình là các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản đã phát triển đến mức không có người để nhập liệu, đánh máy văn bản, thì đó chính là cơ hội, là nguồn việc làm phù hợp với những người khuyết tật ở Việt Nam.
Việc nhìn ra những “khoảng trống” đã giúp V.B.P.O trở thành công ty hàng đầu cung cấp các dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt là cho các khách hàng Nhật Bản, châu Âu và châu Mỹ.
Đồng quan điểm, bà Lê Diệp Kiều Trang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Fossil, Tổng Giám đốc Công ty Fossil Việt Nam nhận định, cơ hội kinh doanh thì rất nhiều, tuy nhiên để khởi nghiệp thành công và phát triển vượt qua các ranh giới quốc gia đòi hỏi doanh nghiệp phải ước lượng được những biến động của thị trường, biết rõ mình có lợi thế gì và hạn chế gì trong từng bối cảnh, từ đó lựa chọn những cơ hội phù hợp.
Theo bà Lê Diệp Kiều Trang, tầm nhìn của một doanh nghiệp không chỉ ở việc đón nhận cơ hội mà còn phải thể hiện qua chiến lược phát triển nguồn nhân lực và tạo dựng được những giá trị cốt lõi về văn hóa doanh nghiệp để tạo ra sự khác biệt khi gia nhập vào thị trường quốc tế.
Bên cạnh việc tạo dựng và nắm bắt cơ hội, các doanh nhân cũng cho rằng, để có thể tồn tại và kinh doanh thành công xuyên biên giới, các doanh nghiệp phải có nền tảng vững chắc từ nội lực đến trách nhiệm xã hội.
Nội lực của doanh nghiệp bao gồm sự chuyên nghiệp, năng lực quản trị nhân sự và khả năng tài chính sẽ đảm bảo doanh nghiệp có thể vận hành tốt khi mở rộng quy mô.
Các trách nhiệm xã hội như bảo vệ môi trường, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và phúc lợi cho cộng đồng chung sẽ giúp nâng cao giá trị uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.
Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HAWEE cho biết, kinh nghiệm của các doanh nhân đã thành đạt là những thông tin vô cùng hữu ích, tạo động lực để nhiều bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp, đồng thời giúp các doanh nghiệp khác đẩy nhanh tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Qua đó, khẳng định vai trò và vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới.