Hội thảo có sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản và 25 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, cơ khí, nhựa, đồ gỗ gia dụng, hàng lưu niệm…
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, phát biểu tại hội thảo, bà Doãn Thị Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho biết: Hàng hoá Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các thị trường trên thế giới, và đang dịch chuyển từ xuất khẩu nguồn nguyên liệu thô sang những mặt hàng có hàm lượng trí thức cao như linh kiện điện tử, điện thoại thông minh...
Đặc biệt, nông nghiệp Việt Nam đang có thời kỳ dài tăng trưởng ổn định với bình quân 4,4% liên tục trong 10 năm qua. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng hoa quả của Việt Nam đã vượt lúa gạo và vượt dầu thô.
Đánh giá về những lợi thế của Việt Nam, bà Doãn Thị Thu Thủy cho rằng Việt Nam đang có lực lượng lao động trẻ, dần được đào tạo với trình độ kỹ thuật cao; môi trường chính trị ổn định; thị trường tiềm năng xét trên nhiều khía cạnh như dân số, doanh nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, hội nhập, tốc độ tăng trưởng, hệ thống pháp luật ngày càng cải thiện, hệ thống quản lý hiện đại hội nhập quốc tế với những ứng dụng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Lợi thế trên đã giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài và trong 9 tháng đầu năm, vốn nước ngoài vào Việt Nam đã đạt 25,37 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và bán lẻ.
Theo Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã trải qua chặng đường 45 năm đang ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, và là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Hai nước đang cùng tham gia vào nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Tại hội thảo, Tổng Thư ký Trung tâm Nhật Bản - ASEAN Masataka Fujita đã chia sẻ với các đại biểu tham dự những phương thức thương mại chủ yếu khi hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời đánh giá buổi hội thảo và tiếp xúc thương mại sẽ giúp doanh nghiệp hai nước hợp tác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam, Nhật Bản ngày càng phát triển.
Cũng trong buổi hội thảo, Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang Lê Thị Minh Phụng đã trình bày về những lợi thế, tiềm năng của tỉnh, cùng những ưu đãi đối với các nhà đầu tư. Phần trình bày thu hút được sự quan tâm, chú ý của nhiều đại biểu.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, Chủ tịch tập đoàn ALLIED hoạt động trong lĩnh vực phân phối thực phẩm, ông Yusuke Ujike cho biết từ năm 2017, ALLEID đã nhập khẩu rau của Việt Nam để phân phối tại Nhật Bản. Việt Nam là quốc gia có nguồn nguyên liệu tốt, phong phú, cùng lực lượng lao động dồi dào.
Nhận xét về thị trường Nhật Bản, Giám đốc công ty nội thất Sesan, ông Trần Thanh Phong cho rằng đây là một thị trường “khó tính” và không thể có ngay những đơn hàng lớn mà doanh nghiệp cần phải đi từng bước. Ông Phong hy vọng sau hội thảo hợp tác lần này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm kiếm được các đơn hàng xuất khẩu lớn vào Nhật Bản.
Hội thảo giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Nhật Bản diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam tiếp cận, trao đổi trực tiếp với nhau.
Đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực và có ý nghĩa, góp phần tăng cường quan hệ kinh tế Việt - Nhật ngày càng phát triển.