Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết: Từ nay đến hết tháng 3, các tỉnh đông Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa nhỏ, mưa phùn; trong khi đó, nhiều khu vực khác trên cả nước lại phải đối mặt với tình trạng khô hạn, cháy rừng.
Cháy tại vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên hôm 6/3. |
Từ nay đến hết tháng 3, các tỉnh miền Bắc vẫn còn chịu tác động của các đợt không khí lạnh, nhưng rét đậm, rét hại ít có khả năng xảy ra. Riêng các tỉnh phía đông Bắc Bộ còn nhiều ngày có mưa nhỏ, mưa phùn. “Theo dự báo của chúng tôi, khu vực này trong tháng 3 sẽ có khoảng 15 ngày có mưa phùn, mưa nhỏ. Đan xen giữa những ngày mưa phùn ẩm ướt là những đợt không khí lạnh. Hình thái thời tiết này sẽ đem đến không khí khô hơn nhưng chỉ kéo dài từ 2-3 ngày là chấm dứt và một đợt mưa phùn mới lại bắt đầu”, TS Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, nhận định. Với độ ẩm trong không khí thường xuyên ở mức 95- 97%, mưa phùn, mưa nhỏ kéo dài từ ngày này sang ngày khác, kiểu thời tiết này gây bất lợi cho người dân các tỉnh phía đông Bắc Bộ, Thanh Hóa trong khi di chuyển trên đường cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. “Khu vực này còn phải chịu cảnh mưa phùn đến cuối tháng 3”, ông Hải nhận định.
Trong khi đó, các tỉnh thuộc khu vực phía Tây Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng ít mưa hơn mọi năm, với tổng lượng mưa tháng phổ biến dưới 10mm. “Hiện trong thời kỳ ít mưa trên toàn quốc, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nên tình trạng khô hạn còn tiếp tục xảy ra khá gay gắt”, ông Hải cho biết thêm.
Mưa ít nên mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Bắc Tây Nguyên đang xuống dần; các sông thuộc khu vực Nam Tây Nguyên có dao động nhỏ. Riêng mực nước trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc thực đo với 2,48m. Trên một số sông khác như: Sông Mã tại Lý Nhân, sông Cả tại Yên Thượng, sông Trà Khúc tại Trà Khúc, mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ.
Chủ động chống xâm nhập mặn Theo dự báo, khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4, tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL sẽ diễn ra trầm trọng hơn. Để chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong các đợt triều cường, nhất là giai đoạn cuối vụ đông xuân, đầu vụ hè thu 2014, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đề nghị sở NN&PTNT các tỉnh thuộc khu vực này thường xuyên theo dõi diễn biến nguồn nước trên các sông, kênh rạch và vận hành hợp lý các cống, bọng lấy nước ngọt vào ruộng. Các địa phương theo dõi thường xuyên để kịp thời đóng mở các cống, điều hòa phân phối nước hợp lý; đặc biệt lưu ý vùng giáp ranh giữa sử dụng nước ngọt cho lúa và nước mặn cho thủy sản, không để nông dân tự ý xẻ bờ bao, mở cống. |
Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông đều thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 15-80%. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ nay đến cuối tháng, mực nước trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Bắc Tây Nguyên tiếp tục xuống. Dòng chảy trên các sông chính ở Trung Bộ cũng không khả quan hơn khi được dự báo sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 53-77%. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và các sông Nam Bộ chịu ảnh hưởng của đợt triều cường vào cuối tháng. Cuối tháng 3, đầu tháng 4, tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực này sẽ diễn biến phức tạp hơn.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết, thời tiết hanh khô đang tiếp diễn ở các khu vực phía Tây Bắc Bộ; rồi Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ đang ở trong thời kỳ mùa khô nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Theo thống kê sơ bộ, tính từ đầu năm đến nay, cả nước có 250 ha rừng bị cháy. Những tỉnh có rừng bị cháy nhiều là Lào Cai, Lạng Sơn, Lai Châu, Thái Nguyên. Riêng Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) trong hơn một tháng qua đã có hai vụ cháy (một đợt vào dịp Tết Nguyên đán và đợt cháy vào ngày 6/3 vừa qua). Trước đó, vào ngày 3/3, tại rừng phòng hộ ở Nâm N’Jang, Đắk Song, Đắk Nông cũng bị cháy hàng nghìn ha…
Huyền Tím