Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 15/10 tuyên bố chỉ những người tị nạn Syria mới được phép qua biên giới giữa hai nước để trở về chiến đấu chống các phần tử thánh chiến thuộc nhóm "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang vây hãm thành phố Kobane có đông người Kurd ở miền bắc Syria. Ông cũng từ chối lời kêu gọi của phương Tây yêu cầu Ankara mở cửa biên giới với Syria để hỗ trợ cuộc chiến chống IS.Khói bốc lên sau cuộc oanh tạc của liên quân gần thị trấn Kobane ngày 15/10. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Phát biểu với báo giới, ông Davutoglu nói: "Những người đến từ Syria có thể quay lại để tham gia cuộc chiến" giành lại Kobane, song người Thổ Nhĩ Kỳ và công dân các nước khác sẽ không được phép qua biên giới. Thủ tướng Davutoglu cũng cho biết: "Chúng tôi không muốn để các công dân Thổ Nhĩ Kỳ tới Syria vì chúng tôi không muốn họ là một phần của cuộc xung đột ở nước này. Chúng tôi sẽ ngăn cản những người định làm điều này một cách bất hợp pháp".
Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang cảnh giác trước nguy cơ người Kurd ở nước này vượt qua biên giới để tham gia cuộc chiến bảo vệ Kobane do lo ngại sẽ hình thành một lực lượng mạnh của người Kurd ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Cùng ngày, Liên minh Cộng đồng người Kurd (KCK) - tổ chức quy tụ nhiều phong trào và lực lượng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có Đảng Công nhân người Kurd (PKK), đã phát động cuộc "nổi dậy" và kêu gọi người Kurd xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ nước này gia tăng quyền hạn cho cảnh sát để trấn áp các cuộc biểu tình của người Kurk.
Trong một tuyên bố, KCK coi các nỗ lực gần đây của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gia tăng quyền hạn cho cảnh sát là động thái "tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại người Kurd" và dự luật cải cách an ninh nội địa đồng nghĩa với việc gia tăng đàn áp và bắt giữ đối với cộng đồng người Kurd. KCK cho rằng cuộc đấu tranh về chính trị và xã hội chống lại các điều luật này cần phải được tăng cường.
Trước đó, ngày 13/10, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia nhằm đối phó với các cuộc bạo động đang gia tăng trong nước. Theo đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn đối với những hành động phá hoại các công trình tư nhân, công cộng và di tích lịch sử như bắt giam, áp dụng án tù dài hạn hơn với người chống đối hoặc đeo khẩu trang để tránh bị nhận dạng.
Một số lệnh cấm cảnh sát sử dụng vũ khí sát thương khi giải tán những người biểu tình có sử dụng bom xăng cũng sẽ được dỡ bỏ.
TTXVN/Tin tức