Thiếu sự đầu tư về phục trang trong phim Việt

Dù không phải là yếu tố cốt lõi của một bộ phim, nhưng phục trang luôn giữ một vai trò quan trọng, đảm bảo tính chân thực về thời gian, khắc họa thêm tính cách và xuất thân của nhân vật… Tuy nhiên, không ít lần khán giả phải “dở khóc, dở cười” vì “lỗi” phục trang trong phim Việt.

 

Những hạt sạn không… nhỏ


Lựa chọn phục trang sao cho phù hợp bối cảnh câu chuyện, thời đại luôn là một bài toán đủ làm đau đầu các đạo diễn. Thế nên, họ mới phải nhờ cậy đến những người phụ trách phục trang hay họa sĩ thiết kế mỹ thuật trong phim. Tuy nhiên, không phải lúc nào đội ngũ phụ trách phục trang trong phim cũng làm tốt vai trò của mình.

Hình dáng, họa tiết trang phục của phim “Thái sư Trần Thủ Độ” còn gây nhiều tranh cãi.


Thực tế, đã có không ít bộ phim Việt mà đạo diễn “phù phép” để những nhân vật “con nhà nghèo” cũng ăn mặc đẹp, phong cách như xuất thân từ gia đình giàu có. Lại có bộ phim kể về thời bao cấp nhưng các thiếu nữ lại có mái tóc thẳng đuột, rõ ràng là sản phẩm của công nghệ ép tóc chỉ có ở thời hiện đại… Với các đạo diễn, có lẽ đó chỉ là những “hạt sạn nhỏ” nhưng rõ ràng, sự thiếu trau chuốt này đã khiến tính biểu cảm và tính thuyết phục của phim giảm đi rõ rệt.


Nhà phê bình điện ảnh Vũ Ngọc Thanh cho biết: “Trang phục khắc họa nên bản sắc, tính cách nhân vật, làm giàu có miền ký ức mỗi khán giả yêu mến phim Việt, nhưng trang phục cũng có thể làm ký ức ấy bị tổn thương. Đó là khi kể cả những bộ phim truyện nhựa được đầu tư lớn như “Hoa ban đỏ”, “Ký ức Điện Biên”, “Đường thư” hay “Đừng đốt”… cũng mắc lỗi trong khâu trang phục. Người xem không chỉ thất vọng bởi sự thiếu chân thực khi thấy các anh bộ đội đang chiến đấu trên chiến trường trong trang phục còn nguyên nếp gấp, không hề có dấu vết của khói lửa, bụi đất chiến trường do vận trang phục mới lấy trong kho ra”.


Có nhiều lý do để lý giải cho thực trạng này. Theo thói thường, ở nước ta, mọi người đều có tâm lý “dĩ hòa vi quý”, nên có không ít đạo diễn, dù chưa thực sự ưng với cách làm của họa sĩ thiết kế, nhưng cũng đành “tặc lưỡi cho qua”. Cũng có đạo diễn “đổ lỗi” cho thiếu thốn về kinh phí, o ép về thời gian của nhà sản xuất… Nhưng dù có nói gì, họ cũng không thể trốn tránh được trách nhiệm nghề nghiệp.


“Chỉ cần một tiểu đội bộ đội mặc trang phục chiến trường đầy bùn đất và khói đạn bom còn giàu tính thuyết phục hơn gấp bội cả một trung đoàn mặc trang phục vừa lấy trong kho ra. Bởi vì đó là nguyên lý mỹ học về tính chân thực. Khi nguyên lý đó bị phá vỡ hoặc không được tuân thủ một cách nghiêm ngặt, tức tiêu chí “chân” đã không có, thật khó đòi hỏi tác phẩm có được tiêu chí “thiện” và “mỹ”, TS Vũ Ngọc Thanh khẳng định.


Trách nhiệm nghề nghiệp


Theo nhận định của nhiều nhà phê bình điện ảnh, nếu có sự tinh tế, cầu toàn và hơn hết là trách nhiệm của người đạo diễn với nghề nghiệp, với từng bộ phim thì chắc chắn, việc khắc phục những “cái khó” về phục trang không đến nỗi quá khó, ngay cả với dòng phim lịch sử.


Tại sao cùng làm phim về đề tài lịch sử xoay quanh những biến cố của kinh thành Thăng Long 1.000 năm trước, nhưng “Long Thành cầm giả ca” lại thuyết phục được người xem về bối cảnh, tính lịch sử và độ xác thực hơn phim “Thái sư Trần Thủ Độ” hay “Lý Công Uẩn- Đường tới thành Thăng Long”? Đó là bởi đạo diễn đã khéo léo lựa chọn những trang phục người Việt xưa với nét riêng đã được công nhận, thay vì đưa vào những bộ trang phục với hình dáng, họa tiết còn gây tranh cãi và lấn át so với những nét đặc trưng riêng của dân tộc Việt.


TS Vũ Ngọc Thanh kể rằng: “Đạo diễn lừng danh người Nhật Akira Kurosawa trước khi cho diễn viên đóng phim đã yêu cầu mặc áo quần của nhân vật trong 7 ngày để trang phục ấy nhàu nhĩ, bẩn và khít với dáng người, kể cả chỗ gấp nơi khuỷu tay, khuỷu chân… Có người chê, bảo nhà đạo diễn quá cầu toàn. Tôi thì mơ ước nhiều nhà làm phim Việt có được một chút cầu toàn của ông ấy, vì nó đã góp phần giúp ông trở thành đạo diễn đầu tiên của Nhật nói riêng và châu Á nói chung đoạt giải Oscar dành cho phim nước ngoài xuất sắc nhất”.


Nữ đạo diễn lão thành Bạch Diệp cũng từng phải đấu tranh với hãng phim để có thể được đồng ý cấp kinh phí mua đủ 20 chiếu ô đen trong phim “Ngày lễ thánh” (1976). Trước đó, hãng phim cho rằng mua số chiếu ô đen đó để thực hiện một cảnh quay 5 giây là quá lãng phí… Nhưng rõ ràng, sự đấu tranh này là cần thiết, để làm nên một tên tuổi như Bạch Diệp.

 

Minh Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN