Thiếu đất, dân "ngoảnh mặt" với làng tái định cư

Thiếu đất sản xuất, người dân "ngoảnh mặt" với làng tái định cư là thực trạng đang diễn ra tại một số địa phương của tỉnh Gia Lai trong nhiều năm qua, khiến cuộc sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn và đáng quan tâm hơn là tình trạng gia tăng số lượng lao động nhàn rỗi kéo theo nhiều hệ lụy.

 

Không việc làm, người dân làng Groi thường xuyên tụ tập ăn nhậu.

 

Để tạo điều kiện cho 149 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar ở làng Tung và làng Gút của vùng căn cứ cách mạng Krong (huyện KBang) có cuộc sống thuận lợi và ổn định hơn, tỉnh Gia Lai đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng khu định cư mới cho đồng bào, gồm: 149 căn nhà kiên cố, hệ thống đường giao thông, điện lưới, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, cùng 50 ha đất nương rẫy để cấp cho bà con sản xuất. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm chuyển về nơi ở mới, đời sống vật chất tinh thần của các hộ dân nơi đây không những không được cải thiện, mà còn có dấu hiệu đói nghèo hơn. Hiện số hộ nghèo của cả hai làng chiếm tới hơn 90%.

 

Tình trạng trên xảy ra là do hầu hết các diện tích đất sản xuất cấp cho bà con đều nằm ở vị trí đồi dốc cao, dễ xói mòn và bạc màu nên canh tác rất khó khăn và không đạt hiệu quả. Không có quỹ đất sản xuất, cộng với đói nghèo, nên nhiều hộ dân không còn cách nào khác đành ngậm ngùi rời bỏ làng mới, lũ lượt quay về nơi ở cũ tiếp tục canh tác để có nguồn lương thực nuôi sống gia đình. Làng mới vì thế, dù khang trang nhưng thưa bóng người, nhiều căn nhà còn bị bỏ hoang từ lâu và có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.


Cùng chung tình cảnh này là làng tái định cư Kênh Chông ở thôn Ia Bia, xã Ia Le (huyện Chư Pưh) được khởi công xây dựng vào năm 2008 với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Khu tái định cư được quy hoạch dọc theo quốc lộ 14, trên tổng diện tích 60 ha, có đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ tốt đời sống và sinh hoạt cho bà con. Tuy nhiên, khu tái định cư lại thiếu nước sinh hoạt và đất sản xuất. Quỹ đất được quy hoạch xung quanh nơi ở mới cằn cỗi, bạc màu xen lẫn với sỏi đá bên dưới nên không loại cây trồng nào có thể phát triển được. Không có đất canh tác nên hầu hết các hộ dân nơi đây đều phải quay về làng cũ cách hơn 10 km để bám trụ, hoặc mượn tạm đất của người thân trong gia đình để tái sản xuất.


Thực trạng này không chỉ xảy ra tại các làng tái định canh định cư di dân vùng khó khăn mà ngay cả các khu tái định canh định cư các công trình thủy địên cũng cùng chung tình cảnh này.


Để nhường đất xây dựng 2 công trình thủy điện Sê san 3 và Sê san 3A, năm 2004 hơn 190 hộ đồng bào Jrai của làng Díp, xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) được chuyển đến sinh sống tại khu tái định cư mới. Những tưởng cuộc sống sẽ tốt đẹp và bền vững hơn trước, nhưng gần 10 năm trôi qua dân làng Díp luôn phải sống trong cảnh cùng cực và khốn khó vì không có đất sản xuất. Tình trạng thiếu lương thực luôn thường trực, hàng năm chính quyền địa phương đều phải cứu đói cho bà con. Năm 2012, cứu đói 38 hộ, dịp Tết Nguyên đán năm 2013 cứu đói 31 hộ và năm nay chính quyền xã lập danh sách đề nghị cứu đói 33 hộ. Sau gần 10 năm chuyển về nơi ở mới, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của làng Díp vẫn chiếm tới 80%.

Những bất cập đang diễn ra tại các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh Gia Lai ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Để mục tiêu của dự án tái định canh định cư phát huy hiệu quả, qua đó khuyến khích bà con yên tâm bám đất, bám làng phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, tỉnh Gia Lai cần sớm có giải pháp để khắc phục những tồn tại này, tạo niềm tin trong đồng bào các dân tộc.


Bài và ảnh: Nguyễn Hoài Nam

Chuyển đổi nghề cho hộ dân thiếu đất sản xuất
Chuyển đổi nghề cho hộ dân thiếu đất sản xuất

Đất ở, đất sản xuất là nhu cầu muôn đời của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Do điều kiện canh tác khó khăn cộng với việc thiếu đất sản xuất nên có thời điểm một bộ phận không nhỏ người dân đã di cư tự do gây mất ổn định xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN