Thiếu đất sản xuất, dân tái định cư nghèo thêm

Quảng Nam là một trong những địa phương có số lượng các dự án thuỷ điện được xây dựng nhiều nhất của cả nước. Trong đó, chỉ tính riêng 4 dự án thuỷ điện lớn gồm: Sông Tranh 2, A Vương, Sông Bung 4 và Đắc Mi 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến đất ở và đất sản xuất của hơn 1.600 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.


Thiếu đất sản xuất, dân tái định cư nghèo thêm


Tại Quảng Nam, việc quy hoạch xây dựng các thủy điện dày đặc đã khiến đất sản xuất ở các khu tái định cư (TĐC) trở thành vấn đề nan giải.

Dự án thủy điện đầu tiên ở Quảng Nam được xây dựng và thực hiện di dời hộ dân tới nơi ở mới là thủy điện A Vương, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Đến năm 2006, 330 hộ dân trong khu vực ảnh hưởng của thủy điện được di dời tới các khu TĐC tập trung là Pachepalanh và Cutchrun (xã Mà Cooih, Đông Giang); và thôn Alua và Kala (xã Dang, Tây Giang). Hầu hết các khu TĐC này được xây dựng ở khu vực đồi dốc, đất sản xuất được chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang có độ dốc lớn, độ phì lại rất kém, người dân không thể tổ chức sản xuất trồng trọt để tự ổn định đời sống kinh tế gia đình. Sau 7 năm TĐC, cuộc sống của người dân nơi đây càng ngày càng khó khăn. Ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, tính đến thời điểm năm 2012, 41 hộ ở khu TĐC Pachepalanh và 31 hộ ở khu TĐC Cutchrun không có cả đất sản xuất và đất ở.


Cuộc sống của người dân TĐC hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi không có đất sản xuất.


Thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng trên địa bàn huyện Bắc Trà My có số lượng hộ dân vùng ảnh hưởng, buộc phải di dời lớn nhất Quảng Nam, với 1.046 hộ dân. Trong quá trình thực hiện cấp đất sản xuất theo quy hoạch, người dân không đồng ý nhận đất và yêu cầu được bồi thường dưới hình thức nhận tiền, với lí do các hộ này đảm bảo đủ đất sản xuất. Tuy nhiên, với khả năng tính toán chi tiêu, việc đầu tư vào sản xuất của người dân rất hạn chế. Chủ yếu họ dùng tiền bồi thường mua sắm phương tiện đi lại, nghe nhìn, chi tiêu cuộc sống. Còn những trường hợp khác được bố trí đất sản xuất tại khu TĐC (xã Trà Bui) cũng gặp nhiều khó khăn do đất đền bù lại thuộc rừng phòng hộ hoặc đất rẫy với số lượng ít, không đảm bảo so với nhu cầu canh tác của đồng bào. Hệ quả là, sau gần 5 năm người dân ở vùng TĐC thuộc dự án thủy điện Sông Tranh 2 vẫn khan hiếm đất sản xuất.

“Đa số người dân TĐC thủy điện là đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng quản lý vốn, tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rất hạn chế. Với quỹ đất hạn chế, cộng với tập quán canh tác của mình, sau nhiều năm TĐC, nếu không được chính quyền địa phương, chủ đầu tư quan tâm một cách sát sao, chắc chắn chất lượng sống của người dân sẽ ngày càng giảm dần và trở nên khó khăn như hiện nay”. Ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên


Không chỉ ở dự án thủy điện A Vương, Sông Tranh 2 mà hầu hết các khu TĐC ở các dự án thủy điện khác cũng trong “tình huống xấu” như vậy. Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, các hộ di dân sau TĐC nhận diện tích phần đất ở bình quân 400 m2/hộ (riêng thủy điện A Vương chỉ có 200 m2/hộ); và đất sản xuất nông nghiệp từ 1,2 - 1,5 ha/hộ. Tuy nhiên, quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích đất trồng lúa rất ít; trong khi, diện tích đất sản xuất nương rẫy cũng chỉ đáp ứng ¼ nhu cầu sản xuất luân canh.


Báo cáo mới đây về tình hình đời sống của người dân ở các khu TĐC theo các dự án thủy điện của UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo khu TĐC thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) là 60,3%, hộ cận nghèo 8,5%; khu TĐC thủy điện Đăc Mi 4 hộ nghèo chiếm tới 93,3%, cận nghèo 6,7%… Đáng chú ý, với dự án thủy điện A Vương, tỷ lệ hộ nghèo ở khu TĐC Pachepalanh lên tới 81%, tăng 16,1% so với năm 2006; còn khu TĐC Cutchrun tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 91%, tăng 36,7% so với năm 2006. Bên cạnh đó, 40 hộ dân ở các xã Trà Đốc, Trà Bui (huyện Bắc Trà My) thuộc dự án thủy điện Sông Tranh 2 đã bỏ nhà TĐC để trở về nơi cũ sống, bởi nguyên nhân chủ yếu là thiếu đất sản xuất.

Quảng Nam hiện có 42 dự án thủy điện bao gồm quy hoạch bậc thang thủy điện và quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ được phép nghiên cứu, đầu tư xây dựng trên địa bàn. Dự kiến đến cuối năm 2015, khoảng 22 dự án thủy điện sẽ đi vào hoạt động, với tổng điện lượng khoảng 5,6 tỷ kWh/năm, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách hàng năm gần 800 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% thu nội địa của tỉnh Quảng Nam.


Cũng chính vì thiếu đất sản xuất đã khiến cho người dân không còn đường nào khác ngoài việc vào rừng đốt rẫy hoặc khai thác gỗ trái phép. Số liệu của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2012, tại huyện Đông Giang xảy ra 43 vụ, gây thiệt hại 47 ha rừng tại rừng phòng hộ A Vương; huyện Bắc Trà My là 45 vụ, ảnh hưởng tới 42 ha rừng tại rừng phòng hộ Sông Tranh. Tình trạng thiếu đất sản xuất, không có việc làm ở các khu này cũng dẫn tới một bộ phận thanh niên nhàn rỗi thường xuyên tụ tập rượu chè, chờ bạc…, gây mất an ninh khu vực nông thôn.


Với tình hình khó khăn về đất sản xuất tại các khu TĐC thủy điện như hiện nay, nếu không có các giải pháp căn cơ thì khả năng 100% các hộ TĐC sẽ rơi vào nhóm đối tượng hộ nghèo là điều khó tránh khỏi.



Hứa Chung

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN