Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội:

Chuyển đổi nghề cho hộ dân thiếu đất sản xuất

Đất ở, đất sản xuất là nhu cầu muôn đời của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Do điều kiện canh tác khó khăn cộng với việc thiếu đất sản xuất nên có thời điểm một bộ phận không nhỏ người dân đã di cư tự do gây mất ổn định xã hội. Để ổn định đời sống cho đồng bào, rất cần những chính sách lâu bền và những giải pháp mang tính căn cơ. Phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Giàng A Chu (ảnh), Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về vấn đề này. 


Chuyển đổi nghề cho hộ dân thiếu đất sản xuất


 

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến những năm trước đây một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do?


Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bà con thường cư trú ở những nơi có độ dốc lớn, bị chia cắt mạnh. Trong khi đó, dân số tăng nhanh trong những năm gần đây nên đất ở, đất sản xuất ngày càng thu hẹp và bị chi phối nhiều. Đây cũng là yếu tố tự nhiên của sự phát triển.


Mặt khác, ở những nơi có địa hình khó khăn, bị thiên tai hạn hán, đất sản xuất bị rửa trôi, bạc màu trong khi việc tái tạo đất của người dân còn hạn chế. Cá biệt, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, đất đai cạn kiệt, đặc biệt như Hà Giang hay các huyện núi đá thì vấn đề đất sản xuất rất khó khăn, bà con khó phát triển sản xuất. Muốn tồn tại, người dân phải được chuyển đổi nghề, hoặc buộc lòng phải di chuyển đi nơi khác. Đây là nguyên nhân chính khiến người dân di cư tự do. Có nơi có đất sản xuất nhưng lại không có nước tưới để phục vụ sản xuất, hay làm thủy lợi, trong đó có các tỉnh Tây Bắc như Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái… có đất canh tác nhưng lại không thể làm ruộng được vì thiếu nước sản xuất. Từ những khó khăn đó mà một bộ phận người dân các tỉnh phía Bắc đã di dân tìm đến nơi ở mới có điều kiện sống tốt hơn, do đất đai ở nơi ở mới mầu mỡ, có nước sản xuất…


Một lý do khác là tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số hay ở theo cộng đồng, theo dòng tộc, họ tộc. Nếu dòng họ có nhiều người di chuyển đến nơi ở mới, ắt có sức lôi cuốn anh em trong dòng họ đi theo với quan niệm “Ở thì cùng ở, đi thì cùng đi”.


Ổn định đất ở, đất sản xuất là nhu cầu tất yếu của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Ảnh: Viết Tôn


Vậy với Tây Nguyên thì sao, thưa ông?


Trong quá trình giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, chúng tôi thấy ở các tỉnh Tây Nguyên, đồng bào cơ bản là tốt, nhưng cũng có những nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, có những thời điểm bị chi phối, lợi dụng chính sách của Nhà nước, được chính quyền cấp đất nhưng lại sang nhượng cho người khác. Sau đó họ lại di chuyển tiếp vào trong rừng, và lấy lý do là không có đất ở, đất sản xuất, tiếp tục gây sức ép cho chính quyền phải giải quyết đất. Từ đó tạo ra những tiền lệ không tốt.


Vì vậy khi giải quyết vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số cần có những điều kiện ràng buộc như: Nhà nước đã giải quyết cho những hộ thiếu đất sản xuất, phải sử dụng sau 10 năm mới được chuyển nhượng. Nhưng qua thực tế, ở nhiều nơi, nhà nước vừa giải quyết chưa ráo mực, bà con đã lại chuyển cho người khác, sau đó lại kêu là không có đất.

 

Công trình thủy điện A Lưới có tổng vốn đầu tư là 3.234 tỷ đồng, công suất lắp máy 170MW (gồm 2 tổ máy), sản lượng điện bình quân hàng năm ước đạt 686,5 triệu KWh. Điện năng phát ra bổ sung cho nguồn điện lưới quốc gia bằng hai đường dây truyền tải về trạm 220kv Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) dài 28km và Đông Hà (Quảng Trị) dài 84km. Có 106 hộ dân trong vùng phải di dời để xây dựng công trình thủy điện A Lưới...

Ông có nhận xét gì khi có ý kiến cho rằng mục tiêu di dân tái định cư đến nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ, nhưng thực tế chưa hẳn là vậy?


Trong Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII vừa qua, Quốc hội cũng đã thảo luận rất kỹ về Luật Đất đai (sửa đổi). Nhìn ở góc độ nhà nước, khi thu hồi đất để xây dựng những công trình công cộng, phúc lợi xã hội, người dân luôn vui lòng ủng hộ chủ trương lớn. Tuy nhiên khi giải quyết đất ở, đất sản xuất, tái định cư cho người dân với mục tiêu là đến nơi ở mới phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ thì thực tế lại không đạt yêu cầu. Có chỗ đáp ứng được đất sản xuất, nhưng lại không đáp ứng được đất ở; có chỗ đáp ứng được nơi ở, đất ở nhưng không đáp ứng được đất sản xuất, vì ở những nơi đó đất bạc màu. Chẳng hạn như ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế khi tái định cư thủy điện, Ban quản lý thủy điện A Lưới tạo mặt bằng bằng cách dùng cơ giới để san gạt, nhưng mặt bằng đó không thể khai thác sản xuất được vì phía dưới toàn đá. Đó là những khó khăn trở ngại lớn nhất đối với những người dân phải di rời đến nơi ở mới.

 

 

Vậy theo ông, đâu là giải pháp?


Mỗi địa phương lại có những giải pháp riêng, nhưng cũng có tỉnh “bó tay” vì không có quỹ đất, đó là cái khó khăn nhất hiện nay.


Trong quá trình giám sát của các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc cũng kiến nghị tới các bộ, ngành liên quan và các tỉnh phải giải quyết đất sản xuất cho người dân. Trước mắt, cần sớm thu hồi đất của các nông, lâm trường sử dụng kém hiệu quả, hoặc bỏ hoang để giải quyết đất canh tác cho bà con vùng miền núi. Ở những địa phương thực sự không còn quỹ đất thì phải chuyển đổi nghề cho người dân. Nghĩa là chính quyền địa phương phải vận dụng nhiều cách để tạo điều kiện cho người dân có việc làm, tăng thu nhập. Nếu không giải quyết được vấn đề thu nhập cho người lao động thì họ lại vào rừng, phá rừng lấy đất sản xuất, đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Thứ hai là ở nhiều nơi chính quyền đã tạo điều kiện cho bà con tự san sẻ, tự sang nhượng (cho nhau mượn theo thời vụ) đất sản xuất. Về việc này, có nơi làm tốt, nhưng cũng có nơi làm không được.


Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, hiện nay quỹ đất gần như không còn nên để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho bà con là việc không đơn giản. Còn nhiều vấn đề mới nảy sinh, nan giải cần giải quyết theo nhiều cách khác nhau.


Để nâng cao năng suất, đồng bào dân tộc thiểu số cần được tiếp cận nhiều hơn nữa với khoa học kỹ thuật hiện đại. Ảnh: Viết Tôn


Để giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, dưới góc độ đầu tư nguồn nhân lực, các địa phương đã triển khai được những gì, thưa ông?


Giảm nghèo bền vững hiện nay là câu hỏi lớn và cũng là vấn đề rất khó. Nhà nước đặt ra vấn đề giảm nghèo nhanh nhưng phải bền vững, theo tôi khẩu hiệu này không phù hợp với thực tế. Bây giờ người dân làm thuần nông, nuôi con lợn, con gà, trồng cây lúa, cây ngô may ra thì đủ lương thực, còn khi tham gia trồng cây công nghiệp như cao su thì biết bao nhiêu năm mới được thu hoạch, trong những năm chờ cao su có mủ để khai thác thì họ lấy gì để sống. Vậy nói là giảm nghèo nhanh và bền vững là khó.


Theo tôi cần phải có sự chuyển đổi, liên kết được giữa nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp. Làm sao phải chuyển đổi được nhận thức cũ, và có tư duy mới là phải sản xuất hàng hóa, phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Bà con cũng cần thay đổi cách làm ăn tự cung, tự cấp sang cơ chế thị trường thì mới có thể giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của nhà nước để tạo điều kiện tốt về cơ chế cho các doanh nghiệp tiếp tục thâm nhập vào vùng khó khăn, vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa để làm dịch vụ đầu vào, đầu ra. Từ đó bà con yên tâm sản xuất, tạo ra cách làm ăn mới, bền vững, giảm nghèo nhanh hơn.


Góc độ giảm nghèo bền vững tôi thấy có lẽ ở tầm vĩ mô, vi mô đều phải thay đổi cách làm, phải có mô hình. Tôi xin nhắc lại, hiệu quả nhất vẫn là liên lết 4 nhà, phải có doanh nghiệp, nhà khoa học có vai trò lớn sẽ thúc đẩy tiến độ nhanh hơn, tạo ra cách làm bền vững có sự hướng dẫn của nhà khoa học, doanh nghiệp giúp nhà nông tiếp cận cái mới. Nếu cứ tự cung, tự cấp thì không giảm nghèo bền vững được.

 

Ông có đánh giá gì trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi nghề ở các địa phương?


Trong những năm qua, bà con vùng miền núi đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều địa phương cũng rất quan tâm, nhưng chuyển biến còn rất chậm. Thứ nhất là nhiều nơi tuy có triển khai nhưng mới chỉ dừng lại ở mô hình. Sau khi làm thử nghiệm mô hình thành công, các địa phương lại không nhân rộng mô hình để phổ biến, do đó hiệu quả không cao. Thứ hai là do nhận thức của bà con còn hạn chế nên việc tiếp cận với cái mới cũng khó khăn hơn. Vì khi ứng dụng khoa học kỹ thuật thì phải tuân thủ những yếu tố, quy trình mang tính khoa học, nhưng người dân lại không tuân thủ nghiêm ngặt, cho nên có những mô hình lúc triển khai rất tốt nhưng không nhân rộng ra được mà chỉ dừng lại ở mô hình mà thôi.


Những mô hình đã đem lại thành công như nuôi cá nước lạnh, chăn nuôi đàn đại gia súc… đòi hỏi phải là những người đam mê, người chăn nuôi phải có vốn lớn mới theo đuổi được vì mức đầu tư cao để mua như thức ăn, tìm kiếm thị trường… thì mới có thể thành công. Hay những mô hình nuôi gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa phải tuân thủ và thực hiện tốt dịch vụ thú y, đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Trong khi đó ở các tỉnh miền núi phía Bắc, việc chăn nuôi đàn đại gia súc, gia cầm thường xảy ra dịch bệnh lớn.

 

Nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội (nhóm SEIA), thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tiến hành khảo sát khu tái định cư thủy điện A Lưới cho 106 hộ dân tại thôn Cân Tôm, xã Hồng Thượng, huyện A Lưới. Cả khu tái định cư có khoảng 12 ha diện tích gieo cấy lúa nước, nhưng để gieo được những mầm mạ, người dân đã phải vất vả, mất rất nhiều công sức cải tạo, đào bốc đá chất lên bờ, trong khi năng suất rất thấp. Nhiều vấn đề được cảnh báo và rút kinh nghiệm trong quá trình di dân tái định cư, không chỉ ở A Lưới mà còn nhiều địa phương khác tương tự cũng vậy.

Để tránh người dân di cư tự do, việc giám sát cơ sở phải được đặt lên hàng đầu, ông có ý kiến gì về vấn đề này?


Di dân tự do cũng có nhiều nguyên nhân sâu xa. Trước hết công tác tuyên truyền của chính quyền phải mạnh mẽ hơn nữa, tháo gỡ kịp thời những khó khăn của người dân, nhu cầu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt phải được đáp ứng… Nhà nước tuy đã có chính sách hỗ trợ, nhưng rất nhỏ giọt. Công tác quản lý cần thường xuyên để kịp thời phát hiện, ngăn chặn di dân tự do. Những địa phương thực sự khó khăn, không đủ điều kiện đáp ứng cho người dân định canh, định cư thì nhà nước cần điều hòa nguồn lực đầu tư để người dân yên tâm lao động sản xuất.


Trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được thảo luận tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khóa XIII vừa qua, nhiều đại biểu cũng đưa ra ý kiến rằng Nhà nước cần tính đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống. Về vấn đề này, Hội đồng dân tộc và các địa biểu Quốc hội cũng quan tâm. Nhưng cũng có cái khó là nhiều địa phương không còn quỹ đất. Chính phủ đã chỉ đạo thu hồi một phần diện tích đất của nông, lâm trường chưa sử dụng hết, hoặc sử dụng không hiệu quả để cấp cho người dân nhằm đáp ứng đất sản xuất. Phải tạo ra phương thức phù hợp để người dân có đất sản xuất. Trong quá trình giám sát thu hồi đất nông, lâm trường, chính quyền các tỉnh cần giải quyết như thế nào cho hài hòa. Cơ chế giám sát của các tổ chức phải chặt chẽ để khi thu hồi đất đáp ứng được mục tiêu đề ra, tránh việc khi đã thu hồi xong nhưng lại để dự án treo.


Xin trân trọng cảm ơn ông!


Nguyễn Viết Tôn (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN