Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch (từ 14- 18/8), VN-Index giảm 3,11 điểm xuống 768,97 điểm; HNX-Index giảm 0,03 điểm xuống 100,83 điểm.
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng tiếp tục giảm mạnh với hầu hết các mã đều sụt giảm như STB giảm1,7%, BID giảm 2,7%, CTG giảm 2,1%, EIB giảm 3,2%, NVB giảm 3,8%, VPB giảm tới 4,6% và kết tuần ở mức giá 37.200 đồng.
Theo các chuyên gia chứng khoán, các cổ phiếu ngân hàng đều trải qua một đợt suy giảm ngắn hạn khá mạnh. Tâm lý nhà đầu tư đã vững vàng hơn trước và không xảy ra hiện tượng nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu. Tuy nhiên, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư muốn mua vào trở lại và có tâm lý chờ đợi các thông tin mới.
Điều này thể hiện ở giá trị giao dịch thấp hơn đáng kể so với mức bình thường. Mặc dù tuần giao dịch vừa qua có thêm cổ phiếu VPB của ngân hàng VP Bank lên sàn và ngay trong ngày đầu tiên chào sàn, cổ phiếu này đã giao dịch 2.255,1 tỷ đồng; trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua 1.456,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 4.243 tỷ đồng mỗi phiên và vẫn giảm 9% so với trung bình tuần trước đó.
Cùng với nhóm cổ phiếu ngân hàng thì nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có tuần giảm điểm khá mạnh như SHS giảm 3,7%, SSI giảm 0,8%, HCM giảm 1,9%, CTS giảm 4,1%…
Diễn biến của thị trường trong tuần qua cũng cho thấy, giao dịch chỉ tích cực trong một thời gian ngắn với sự đồng thuận của các cổ phiếu lớn, nhưng sức mạnh của các cổ phiếu này vẫn chưa đảm bảo để tạo thành xu thế tăng giá.
Các nhóm cổ phiếu có khả năng tác động mạnh lên chỉ số đều trong trạng thái rủi ro cao khó lường.
Tiêu biểu như nhóm cổ phiếu dầu khí diễn ra sự phân hóa khi PLX là cổ phiếu duy nhất tăng mạnh trong tuần với mức 2,5%, trong khi các cổ phiếu còn lại như GAS giảm 0,6%, PVD giảm 0,9%, PVS giảm 0,6%
Các blue-chips khác cũng diễn ra tình trạng phân hóa cao và khó đoán định. Tại nhóm cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng VNM giảm nhẹ 0,2%, Trong khi MSN tăng tới 4,3%.
Theo các chuyên gia chứng khoán, đặc điểm của các chỉ số là phụ thuộc rất nhiều vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, tuy nhiên nhóm này đang gặp khó khăn và có những diễn biến phân hóa cao, cơ hội lợi nhuận chỉ phụ thuộc vào việc lựa chọn đúng cổ phiếu có khả năng mạnh hơn và ít phụ thuộc vào xu thế chung. Nhưng điều này là khá khó khăn trong bối cảnh thiếu các thông tin hỗ trợ như hiện nay.
Thị trường đang đi vào vùng trũng thông tin. Những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý II đã được các doanh nghiệp công bố gần hết. Những thông tin nóng nhất cũng đã xuất hiện, những thông tin còn lại may chăng chỉ có khả năng tác động rất ngắn hạn đến một số mã cụ thể.
Một ví dụ điển hình là trong tuần giao dịch vừa qua các cổ phiếu đại diện tiềm năng trong nhóm cổ phiếu thép vẫn tăng trưởng khá tích cực như HPG tăng 3,4%, HSG tăng 2,9%. Khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng cổ phiếu HPG với giá trị đạt 73 tỷ đồng.
Trên toàn thị trường khối ngoại cũng có một tuần giao dịch với diễn biến khá khó lường, tuy nhiên, nhờ giao sự đột biến trong giao dịch của cổ phiếu VPB nên tính chung cả tuần khối ngoại đã mua ròng rất mạnh.
Cụ thể, khối ngoại trên HOSE và HNX đã mua ròng 33,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị đạt 1.484,2 tỷ đồng.
Nếu phân tích kỹ hơn có thể thấy, việc khối ngoại mua ròng mạnh như vậy là do sự đột biến trong giao dịch của cổ phiếu VPB. Đây là giao dịch không có tính ổn định và chỉ mang tính nhất thời. Vì vậy, nếu không tính đến giao dịch của VPB trong ngày chào sàn thì có thể thấy nhà đầu tư nước ngoài tuần vừa qua còn bán ròng nhẹ trên 2 sàn.
Theo đó, VPB chào sàn HOSE với giá tham chiếu 39.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 17/8 và chỉ trong 15 phút đầu tiên của phiên giao dịch, khối ngoại đã mua vào lên đến 37,35 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị đạt 1.456,7 tỷ đồng và việc này đã khiến VPB kín room ngoại ngay khi vừa lên sàn.