Trước tình trạng này, Liên minh châu Âu (EU) đã áp dụng biện pháp phạt thẻ vàng đối với hàng chục quốc gia và vũng lãnh thổ do tình trạng đánh bắt cá trái phép tràn lan.
Trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Thái Lan đã nhận thẻ vàng từ EU vào tháng 4/2015, còn Campuchia đã nhận thẻ đỏ vào tháng 3/2014. Riêng Philippines đã nhận thẻ vàng vào tháng 6/2014 nhưng đã được xóa chỉ 10 tháng sau đó, nhờ vào việc tuân thủ các quy định đánh bắt thủy sản của luật pháp quốc tế.
Hành trình đến… thẻ vàng
Theo thuật ngữ quốc tế, IUU nghĩa là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý. Quy định này bao gồm ba tiêu chuẩn với những hải sản nhập khẩu vào EU. Đầu tiên là hoạt động đánh bắt cá trái phép, nghĩa là các tàu cá đánh bắt thủy sản ở những vùng biển trái phép hoặc cấm đánh bắt. Những tàu cá không được cấp phép đánh bắt cá hay vi phạm quy định khai thác hải sản của quốc gia, quốc tế cũng bị liệt vào nhóm trên.
Tiếp đó, IUU quy định những hoạt động khai thác hải sản cần được báo cáo với các cơ quan chức năng nhằm tuân thủ những quy định của pháp luật trong nước lẫn quốc tế.Yếu tố cuối cùng yêu cầu các tàu đánh cá treo cờ của một quốc gia nào đó và không được khai thác quá mức, đánh bắt cá con hay tàn phá nguồn thủy sản của một khu vực.
EU hợp tác chặt chẽ với các quốc gia ngoài liên minh nhằm mở rộng ảnh hưởng của IUU.Theo các nhà hoạch định chính sách, IUU giúp các nhà đánh bắt hải sản hợp pháp có thể cạnh tranh công bằng hơn với những tàu cá khai thác trái phép.
Ngoài ra, EU cho rằng việc đánh bắt quá mức ở một vùng biển có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái của những vùng biển khác, qua đó tác động đến nguồn lợi thủy sản của khu vực này.Vì vậy, thị trường EU cấp giấy phép IUU cho tất cả các lô hàng hải sản xuất nhập khẩu qua nơi đây.
Kể từ năm 2010, những quy định về IUU yêu cầu tất cả những lô hàng hải sản nhập khẩu vào thị trường EU phải kê khai thông tin về loài cá đánh bắt, địa điểm khai thác, ngày bắt và loại tàu đánh bắt cùng tất cả những phương tiện tham gia.
Tất nhiên, EU không thể kiểm tra hết được xuất xứ mà chỉ thí điểm. Nếu tỷ lệ vi phạm cao thì EU sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng của nơi xuất xứ trong vòng ít nhất 6 tháng, hay còn gọi là phạt thẻ vàng.
Trong trường hợp tình hình đánh bắt hải sản của nước xuất xứ được cải thiện theo quy định IUU, thẻ vàng sẽ bị dỡ bỏ. Ngược lại, nếu không có gì cải thiện thì những lô hàng hải sản từ các quốc gia này sẽ bị phạt thẻ đỏ - nghĩa là bị cấm nhập khẩu vào thị trường EU, đồng thời bị đưa vào danh sách theo dõi.
Năm 2015, EU từng cảnh cáo “thẻ vàng” đối với Thái Lan vì chính phủ đã không kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền đánh cá và đảm bảo truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm hải sản. Cảnh báo này đồng nghĩa rằng nếu Chính phủ Thái Lan không cải thiện cách quản lý hoạt động đánh bắt hải sản, nước này sẽ bị cấm xuất khẩu hải sản vào thị trường EU.
Ngay sau đó, Chính phủ Thái Lan đã ban hành quy định IUU, yêu cầu các tàu thuyền treo biển số đăng ký, đồng thời công bố danh sách các phương tiện có giấy phép hoạt động cho tất cả cảng biển. Cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh việc tháo dỡ các tàu thuyền không có chủ sở hữu. Ngoài ra, các tàu thuyền có giấy phép buộc phải có thiết bị theo dõi định vị toàn cầu (GPS). Theo các quan chức Thái Lan, đã có gần 10.000 tàu thuyền đánh bắt đăng ký hoạt động tính đến giữa tháng 8/2018 và số lượng tàu thuyền bất hợp pháp cũng đã giảm mạnh.
Nếu EU phạt thẻ đỏ, thủy sản của Thái Lan sẽ bị cấm xuất khẩu sang các nước thành viên EU. Theo các nhà phân tích, lệnh cấm xuất khẩu thủy sản Thái Lan sang châu Âu sẽ làm ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á khác. Vì vậy, ngành thủy sản Thái Lan cần tăng cường nỗ lực hợp tác với chính phủ nước này để giải quyết vấn đề trên.
Kinh nghiệm khắc phục
Với vị thế là thị trường tiêu thụ lớn, các quy định IUU của EU đã khiến rất nhiều quốc gia siết chặt quy định khai thác hải sản. Ví dụ năm 2013, EU phạt thẻ vàng với Hàn Quốc và không lâu sau đó đến lượt Mỹ cũng liệt các lô hàng hải sản của nước này vào dạng cần theo dõi. Sức ép lớn từ hai thị trường đã khiến Hàn Quốc nỗ lực hành động nhằm siết chặt các quy định về đánh bắt hải sản.Sau những động thái khắc phục tích cực của Hàn Quốc, EU đã dỡ bỏ thẻ vàng cho quốc gia này vào tháng 4/2015.
Theo các chuyên gia, thẻ vàng nên được coi là động lực giúp các nước hiện đại hóa ngành thủy sản, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Là một trong những quốc gia đã từng bị EU rút thẻ vàng vào năm 2014, Philippines đã rất nhanh chóng gỡ được chiếc thẻ này chỉ trong 10 tháng sau đó nhờ vào những nỗ lực rất cao của nước này.
Ủy viên châu Âu về môi trường, các vấn đề hàng hải và thủy hải sản Karmenu Vella cho hay cả Hàn Quốc và Philippines đều đã có những hành động trách nhiệm trong việc sửa đổi, cải cách hệ thống pháp luật nhằm hướng tới một cách tiếp cận chủ động hơn trong cuộc chiến chống lại nạn đánh bắt cá bất hợp pháp. Đặc biệt, EU thừa nhận Philipines rất có thiện chí hợp tác và đã bắt tay vào thực hiện một loạt cải cách nhằm nâng cấp hệ thống quản lý thủy sản để đến bây giờ hệ thống này đã có thể sánh ngang với luật quốc tế.
Những cải cách mà Philippines đưa ra tập trung vào ba nội dung chính là: Sửa đổi hệ thống khung pháp lý, trọng tâm là Luật Thủy sản và nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm; cải tổ bộ máy quản lý nghề cá, tập trung vào tăng biên chế cho cơ quan thực thi pháp luật và tăng ngân sách cho thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động khai thác trên biển; triển khai chương trình thực thi pháp luật, tập trung vào truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, thông qua Cơ quan Nguồn lực thủy hải sản và Nông nghiệp Philippines (BFAR), Chính phủ Philippines khi đó đã bắt đầu đào tạo thêm lính canh biển cũng như tiến hành thu mua các thiết bị giám sát và quản lý tàu thuyền.
Về phần mình, hai quốc gia khác là Ghana và Papua New Guinea cũng đã thành công trong việc giải quyết những thiếu sót trong hệ thống quản lý nghề cá của họ kể từ khi nhận được cảnh báo của EU hồi tháng 11/2013 và tháng 6/2014. Ghana và Papua New Guinea đã sửa đổi khuôn khổ pháp lý để chống khai thác IUU, củng cố hệ thống xử phạt, tăng cường giám sát và quản lý đội tàu và tuân thủ theo pháp luật quốc tế.
Trong khi đó, tại Thái Lan, theo một nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã của nước này, EU vẫn duy trì thẻ vàng đối với “xứ chùa Vàng” do các vấn đề liên quan đến IUU. EU rõ ràng đã tìm thấy sự khác biệt trong phân loại thuyền tại Cục Hàng hải và dự kiến sẽ xem xét việc thực thi pháp luật nghiêm ngặt, quản lý hiệu quả các lệnh hành chính và khung thời gian rõ ràng.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Thái Lan Chatchai Sarikulya, người giám sát tiểu ban về các giải pháp chống IUU, cho biết Trung tâm Giám sát Thủy sản (FMC) cần nâng cấp hoạt động và nhân viên của FMC.
Ông Chatchai đã chỉ định Trung tâm Điều hành chống khai thác bất hợp pháp gửi năm nhân viên đến FMC để giúp đào tạo và theo dõi lực nhân viên ở đó trong ba tháng tới. Ông Chatchai cho biết ông cũng chỉ thị cho các cơ quan pháp luật, từ cảnh sát cho các công tố viên và tòa án công cộng tăng cường phối hợp và hiệu quả và chờ đợi kết quả tích cực từ các hoạt động trên.