Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản có xu hướng phục hồi từ tháng 8/2018 đến nay và tăng trưởng khả quan với mức tăng gần 8%, đạt 847 triệu USD trong tháng 9/2018.
Tính trong 9 tháng qua, tổng xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 6,42 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh giá tôm xuất khẩu sụt giảm liên tục trong nhiều tháng qua và hải sản Việt Nam bị cảnh cáo thẻ vàng về IUU ở thị trường EU cùng nhiều rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá mà các thị trường nhập khẩu đặt ra. Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản đang có cơ hội rộng mở hơn tại thị trường Mỹ khi một loạt những rào cản dần được tháo gỡ.
“Rộng cửa” ở thị trường Mỹ
Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ ngày 1/2/2016 đến 31/1/2017. Theo đó, mức thuế đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 4,58%, thấp hơn 5 lần so với so với kết quả sơ bộ 25,39% công bố trước đó. Kết quả này cũng khả quan hơn so với mức thuế cuối cùng của giai đoạn POR11.
Theo ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước, thuế chống bán phá giá cao là một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ liên tục sụt giảm kể từ năm 2017 đến nay. Do vậy, việc Mỹ áp mức thuế POR12 thấp hơn nhiều so với dự kiến là điều kiện thuận lợi để tôm Việt Nam có thể nâng cao sức cạnh tranh ở thị trường này trong thời gian tới.
Hiện Mỹ là một trong những thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam, chiếm khoảng 17% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường, với kim ngạch đạt trên 600 triệu USD/năm.
Không chỉ riêng mặt hàng tôm, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng liên tục nhận được tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ. Giữa tháng 9/2018, DOC thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cá tra POR14 giai đoạn từ ngày 1/8/2016 - 31/7/2017 với mức thuế thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó. Dù chưa phải là kết quả chính thức, nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho ngành cá tra Việt Nam.
Cũng trong khoảng thời gian này, Cục kiểm tra An toàn thực phẩm (FSIS) của Mỹ đề xuất công nhận hệ thống kiểm tra cá tra Việt Nam tương đương với Mỹ, nghĩa là cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất sang Mỹ.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cho biết, việc FSIS công nhận hệ thống kiểm soát cá da trơn của Việt Nam tương đương với Mỹ có ý nghĩa rất lớn, chứng minh quy trình sản xuất cá tra của Việt Nam được tổ chức kiểm soát tốt và hoàn toàn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này sẽ góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh cá tra Việt Nam không chỉ riêng ở thị trường Mỹ mà còn ở các thị trường nhập khẩu khác hiện nay.
Những năm gần đây, thuế chống bán phá giá và Luật FarmBill là rào cản lớn nhất khiến xuất khẩu tôm và cá tra của Việt Nam “mắc nghẽn” ở thị trường Mỹ. Do vậy, với tín hiệu tích cực này thì xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam được dự báo sẽ “rộng cửa” hơn ở thị trường Mỹ trong thời gian tới.
Triển vọng những tháng cuối năm
Theo các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, kết thúc quý III cũng là thời điểm các doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc thu mua nguyên liệu và tăng cường ký các đơn hàng xuất khẩu phục vụ cho dịp lễ, tết ở các thị trường nhập khẩu. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ cá tra sẽ tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm và giá tôm sẽ có xu hướng hồi phục nhẹ sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.
Dự báo của VASEP cho thấy, với mức tăng trưởng hiện nay cùng với những yếu tố thuận lợi từ thị trường, dự báo xuất khẩu thủy sản quý IV sẽ đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm ngoái với kim ngạch khoảng 2,5 tỷ USD. Theo đó, ngành thủy sản Việt Nam sẽ cán đích năm 2018 với doanh số xuất khẩu khoảng 8,9 - 9 tỷ USD, tăng 7% so năm 2017.
Xuất khẩu cá tra tiếp tục là điểm sáng của ngành thủy sản Việt Nam trong năm 2018. Không chỉ riêng thị trường Mỹ có xu hướng tăng trưởng mạnh, mà xuất khẩu cá tra sang EU cũng đang bắt đầu tăng dần từ tháng 6/2018 đến nay, sau 3 năm liên tiếp dường như không tìm thấy “lối thoát” do nhiều lần bị bôi xấu hình ảnh. Trong 8 tháng năm 2018, tổng giá trị xuất cá tra sang EU đạt trên 160 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng dương này được dự báo còn tiếp tục kéo dài cho tới hết năm 2018.
Nhờ mức tăng trưởng giá trị xuất khẩu khả quan sang một số thị trường lớn như nên tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này vượt so với dự đoán. Xuất khẩu cá tra trong tháng 9 tiếp tục tăng mạnh 45% đạt 205 triệu USD, đưa tổng xuất khẩu 9 tháng qua lên 1,6 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP dự báo xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng cuối năm và sẽ cán đích với mức 2,1 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2017.
Đối với mặt hàng tôm xuất khẩu, với những tín hiệu tích cực từ thị trường Mỹ cùng với đợt cao điểm tiêu thụ tôm ở các thị trường, xuất khẩu tôm Việt Nam dự báo sẽ khởi sắc dần trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, do nguồn cung tôm nuôi từ các nước sản xuất chính trên thế giới vẫn lớn nên giá tôm thế giới gần như không tăng, thậm chí ở một số nước đang bán cạnh tranh giá thấp đã tác động mạnh đến thị trường xuất khẩu.
Do vậy, dù nhu cầu có tăng vào những tháng cuối năm nhưng với xu hướng hiện nay, xuất khẩu tôm cả năm 2018 khó tăng trưởng mạnh, chỉ có thể duy trì ở mức tương đương năm 2017, với gần 3,8 tỷ USD. Sự tăng trưởng thấp của ngành này cũng là lý do khiến xuất khẩu thuỷ sản khó đạt mục tiêu 10 tỷ USD trong năm nay như kế hoạch đã đề ra.
Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu khác như cá ngừ, mực, bạch tuộc, cá biển… cũng được dự báo có mức tăng trưởng khá trong năm 2018, đạt khoảng 650 triệu USD mỗi sản phẩm, tăng 8% so với năm 2017.
Riêng mặt hàng cá ngừ, do nguồn cung giảm đã khiến giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tăng lên trong thời gian gần đây. Trong tháng 8/2018, xuất khẩu cá ngừ tăng mạnh đến 20% và tiếp tục tăng 22% trong tháng 9, đạt gần 54 triệu USD, đưa kết quả 9 tháng qua lên 485 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia, mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả thị trường nhập khẩu hay trong nội tại ngành. Do vậy, các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng các liên kết chuỗi từ khâu nuôi trồng nguyên liệu đến chế biến, nhằm kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…