Thể hiện nhà nước pháp quyền của dân

Hôm nay, theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua Hiến pháp (sửa đổi). Tiến sĩ luật Đỗ Đức Hồng Hà (ảnh), Hiệu trưởng trường Trung cấp Luật Đồng Hới (Bộ Tư pháp) đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về nội dung có nhiều ý kiến khác nhau là chính quyền địa phương.

TS Đỗ Đức Hồng Hà cho biết: “Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, một trong những nội dung được dư luận quan tâm là chương IX chính quyền địa phương. Xung quanh nội dung này hiện vẫn còn ý kiến nhiều chiều: Tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hiện nay hay phân chia thành mô hình chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị? Chính quyền địa phương gồm UBND và HĐND hay chỉ có UBND? HĐND có phải là cơ quan giám sát hoạt động của chính quyền? Có nên tổ chức HĐND ở tất cả các cấp Trung ương, tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã phường hay không?

Rõ ràng là hiện còn nhiều vấn đề trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi chưa thống nhất được, trong khi kỳ họp Quốc hội sắp kết thúc. Do vậy, theo quan điểm của tôi, Hiến pháp sửa đổi chỉ nên quy định chung nhất. Còn những vấn đề cụ thể thì nên để luật quy định.

 

Riêng về mô hình chính quyền địa phương, theo tôi nên phân biệt rõ chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị. Hiện nay, chúng ta chỉ có một mô hình áp dụng chung cho chính quyền ở cả nông thôn và thành thị. Trong khi đó, đặc điểm địa hình, kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, môi trường và nhận thức của người dân ở hai khu vực này có sự khác nhau.

Theo tôi, chính quyền địa phương nên bao gồm cả UBND và HĐND, có nghĩa là tổ chức HĐND ở tất cả các cấp, vì HĐND bầu ra UBND, thực hiện chức năng giám sát hoạt động của UBND. Điều đó thể hiện quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân”.

 

Huyền Tím (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN