Tháo gỡ vướng mắc thực thi Luật Phá sản

Tiếp tục Phiên họp thứ 21, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Phá sản (sửa đổi).


Các thành viên UBTVQH tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phá sản như Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai cũng như điều chỉnh một số nội dung phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần làm lành mạnh nền kinh tế.


Về đối tượng áp dụng, có ý kiến cho rằng, Luật Phá sản (sửa đổi) nên áp dụng cho cả các đối tượng là cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nếu mở rộng các đối tượng thuộc phạm vi áp dụng của luật này thì khó khả thi, do hiện nay lực lượng cán bộ thuộc lĩnh vực này còn mỏng, dẫn đến việc quá tải cho ngành Tòa án. Đại biểu Nguyễn Văn Hiện và các thành viên UBTVQH nhất trí với dự thảo luật quy định về đối tượng áp dụng chỉ là các doanh nghiệp, hợp tác xã. Đối với cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh nếu mất khả năng thanh toán thì áp dụng thủ tục giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh tế đã được quy định tại pháp luật về dân sự, kinh tế và các quy định pháp luật khác.


Liên quan đến quy định về phá sản doanh nghiệp nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhất trí với dự thảo luật và cho rằng không nên có sự phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Điều này góp phần hạn chế tình trạng đảo nợ, giấu nợ, bơm thêm vốn duy trì doanh nghiệp kém hiệu quả, phản ánh không trung thực thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.


Về thẩm quyền của Tòa án giải quyết các thủ tục phá sản, đa số ý kiến tán thành quy định như Điều 10 của dự án luật, giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, nếu giao hết cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết thủ tục phá sản là không đúng hướng với cải cách tư pháp. Hiện nay, cấp huyện đã có thẩm phán trung cấp, thậm chí có cả thẩm phán cao cấp, hoàn toàn có khả năng giải quyết các thủ tục phá sản. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung theo hướng quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết thủ tục phá sản đối với hợp tác xã đăng ký kinh doanh tại huyện. Cùng ý kiến trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thiết kế cụ thể những đối tượng thuộc Tòa án cấp tỉnh giải quyết và những đối tượng thuộc Tòa án cấp huyện giải quyết.


Về quy định Quản tài viên, đa số ý kiến tán thành quy định Quản tài viên như dự án luật, nhằm khắc phục hạn chế của Tổ quản lý, thanh lý tài sản trong luật hiện hành. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý để phát huy hiệu quả hoạt động của Quản tài viên trong điều kiện hiện nay, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định chi tiết, cụ thể tiêu chí lựa chọn, địa vị pháp lý, cơ chế giám sát, trách nhiệm pháp lý bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong hoạt động của Quản tài viên.

 

*Chiều 13/9, tiếp tục phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Năm vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau bao gồm: Quy định về các thành phần kinh tế, sở hữu đất đai, thu hồi đất, mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Hội đồng Hiến pháp... đã được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.


Vấn đề mô hình tổ chức chính quyền địa phương, hiện vẫn còn những ý kiến khác nhau. Các ý kiến đồng tình với việc kế thừa quy định hiến pháp hiện hành về đơn vị hành chính lãnh thổ trên cơ sở giữ nguyên Điều 118 của Hiến pháp hiện nay, đồng thời khẳng định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Song cũng có ý kiến băn khoăn về mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, việc không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp phường.


Về vấn đề sở hữu đất đai, Thường vụ Quốc hội đề nghị phải thận trọng, thể hiện rõ hơn Điều 54 quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản đặc biệt được pháp luật bảo hộ. Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc quy định thu hồi đất vì lợi ích quốc phòng an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích phát triển kinh tế, với lập luận đất đai là nguồn lực quan trọng cần được khai thác, sử dụng hiệu quả nhằm phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, việc thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết. Trong giai đoạn nước ta đang chuyển từ một nước nông nghiệp sang công nghiệp thì phải có đất đai để phát triển công nghiệp, phát triển đô thị, nếu không quy định rõ thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội sẽ rất khó cho việc thực hiện sau này. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung quy định việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai, minh bạch, công bằng theo quy định của pháp luật. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về việc thành lập Hội đồng Hiến pháp.


TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN