Tết rằm tháng bảy ở bản Tày

Từ bao đời nay, cứ đến rằm tháng bảy (Tết Vu Lan) cùng với các địa phương khác, đồng bào Tày ở Nghĩa Đô (Bảo Yên - Lào Cai) cho dù công việc đồng áng bận đến mấy cũng không quên dành thời gian để tổ chức lễ, Tết. Lâu dần, những phong tục trong rằm tháng bảy đã trở thành một nét đẹp truyền thống trong mỗi gia đình, mỗi bản Tày nơi đây.


Theo đồng bào Tày ở Nghĩa Đô thì Tết rằm tháng bảy là cái Tết lớn thứ hai (sau Tết Nguyên đán), được đồng bào chuẩn bị và tổ chức rất chu đáo với nhiều hoạt động khác nhau. Đến những bản Tày vào dịp tháng bảy âm lịch, ngay từ 13, 14 tháng bảy, không khí rằm đã tràn ngập trên mỗi căn nhà sàn bởi sự chuẩn bị của mỗi gia đình.


Người dân chuẩn bị nào là lá gói bánh, ngâm gạo để gói bánh và làm bún, chuẩn bị lợn cắp nách, vịt béo để mổ vào ngày rằm. Họ cũng không quên nấu cho gia đình mình nồi rượu ngon và an toàn.


Nhà sàn của đồng bào Tày Nghĩa Đô, nơi lưu giữ phong tục Tết rằm tháng bảy từ lâu đời.


Cũng như người Kinh, đúng với bản chất của nó, Tết rằm tháng bảy của người Tày ngoài ý nghĩa thờ cúng tổ tiên, cúng các vong hồn, còn là dịp để gia đình, dòng họ sum họp, con cái thể hiện lòng biết ơn, tình cảm và lòng hiếu thuận đối với cha mẹ. Vào ngày rằm, cho dù bận đến mấy hay làm ăn nơi xa, những người thân đều tìm về để sum họp với gia đình, vui cùng bản làng.


Năm nào cũng vậy, dù không phải là chủ nhật chợ phiên nhưng đồng bào từ các bản đều ra chợ để tổ chức một phiên chợ chuẩn bị cho ngày rằm. Phiên chợ này rất đặc biệt bởi hôm đó, những sản vật phục vụ cho tổ chức lễ, Tết được người dân bày bán.


Một phong tục không thể thiếu trong ngày rằm tháng bảy ở bản Tày là gói bánh chưng. Bánh được đồng bào gói vào khoảng ngày 13-14 (âm lịch). Khác với bánh chưng ngày Tết, bánh chưng rằm tháng bảy của người Tày thường nhỏ bằng ba đầu ngón tay, dài khoảng 12cm.


Đặc biệt, bánh gói bằng gạo nếp ngon và không có nhân đỗ như bánh ngày Tết, đồng thời, lá gói bánh không bằng lá rong mà chủ yếu gói bằng lá chít to bản, xanh, hái trên rừng.


Khi bóc bánh, người Tày cũng có cách bóc riêng. Khi tách lá khỏi bánh, người ta dùng luôn xương của lá chít để cắt bánh ra làm đôi rất tiện cho việc bày ra đĩa. Ngoài bánh chưng, người Tày ở Nghĩa Đô còn gói bánh dợm, bánh gio để ăn vào ngày rằm.


Trong ngày rằm, dù chỉ trong thời gian một ngày nhưng đồng bào Tày Nghĩa Đô chế biến rất nhiều món ăn. Các món ăn ẩm thực truyền thống ở mỗi bản được các Pả, các ấm, các pò gia công chế biến.


Người dân chọn loại gạo ngon sau vụ gặt, ngâm nước từ đêm trước sau đó sáng sớm ngày rằm, tự tay mình làm cho gia đình những sợi bún dẻo thơm và trắng ngần. Thế là buổi trưa hôm rằm, cả nhà có một món bún chan canh thịt vịt ngọt lừ.


Gia đình đồng bào Tày nào cũng làm như vậy dù giàu hay nghèo. Ngoài bún, nhà nhà đều mổ lợn cắp nách, vừa nhỏ, vừa ngon, sạch, đủ cho cả nhà ăn trong ngày rằm. Có nhà mổ luôn từ chiều 14 để chiêu đãi anh em họ hàng. Những món ăn kèm theo mang đậm dư vị Tày như cá nấu măng chua, mẻ chưng cá suối, nộm hoa chuối rừng, rau dớn xào, canh gà nấu trám…


Một phong tục đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong Tết rằm tháng bảy là tục Tết vịt bố mẹ vợ. Gần đến rằm, con rể người Tày dù ở bản xa nào đó cũng tìm mua hay nuôi được cho mình một đôi vịt thật béo, lông mượt, một đực, một cái để lễ Tết bố mẹ vợ.


Ngày 14 âm lịch, con rể bắt vịt nhốt vào bu nứa kèm theo chai rượu ngon mang đến Tết bố mẹ vợ. Khi mang vịt đến, con rể tự tay mổ vịt, luộc bày thành mâm rồi đặt lên bàn thờ để cúng tổ tiên.


Đúng trưa ngày rằm tháng bảy, sau khi các món đã được chế biến xong, tất cả được đặt vào mâm để lên bàn thờ để cúng thần linh và tổ tiên. Người cao tuổi nhất nhà khăn áo chỉnh tề thắp hương kính mời thần linh và những người đã khuất về hưởng thụ lễ vật của người sống để phù hộ cho con cháu được bình an, ấm no và hạnh phúc. Sau khi tàn hương, cả nhà cùng quây quần quanh nâm cơm ấm cúng. Họ nâng chén rượu nồng cùng chúc nhau khỏe mạnh và làm ăn tiến tới.


Hiện nay, đối với đồng bào Tày, không có chuyện đốt vàng mã quá nhiều như người Kinh ở một số nơi.


Sau khi ăn cơm sum họp gia đình, người Tày thường đến nhà người thân trong bản để thăm và chúc nhau sức khỏe. Thanh niên thì tập trung ở khu trung tâm bản để tổ chức những trò chơi như ném còn, đánh quay, đá bóng…


Đến nay, Tết rằm tháng bảy ở Nghĩa Đô vẫn được đồng bào tổ chức theo đúng tính chất nhân văn của nó. Đó là một cái Tết đoàn tụ gia đình và dạy bảo con cháu ăn ở hiếu thuận. Nét đẹp văn hóa này từ bao đời nay được đồng bào nơi đây gìn giữ và phát huy.



Bài và ảnh: Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN