Cải tổ IMF:

Tất yếu và nhiều đích!

Với quyết định cuối tuần qua của Ban điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ủng hộ đề xuất của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) về cải tổ thể chế tài chính đa phương này, các nước đang phát triển đã có được vị trí xứng đáng hơn trong IMF.

Thỏa thuận về cải tổ IMF nhằm tăng gấp đôi số vốn của tổ chức này và phân bổ lại số ghế đại diện trong ban lãnh đạo gồm 24 thành viên đã được nhất trí trên nguyên tắc tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 cuối tháng trước ở Hàn Quốc. Theo đó, hơn 6% tỷ lệ bỏ phiếu của các nước công nghiệp phát triển và các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ được chuyển cho các nền kinh tế mới nổi năng động. Quyết định này đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có tầm quan trọng thứ ba trong IMF, trên cả các cường quốc châu Âu như Đức, Pháp, Anh và chỉ sau Mỹ và Nhật Bản. Thỏa thuận cũng tăng quyền bỏ phiếu cho 110 thành viên IMF và đưa các cường quốc mới nổi là Ấn Độ, Braxin và Nga vào top 10 nước đứng đầu trong thể chế tài chính thế giới gồm 187 thành viên này.

Đánh giá về quyết định mang tính bước ngoặt song đã được chờ đợi từ lâu này, Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn nhấn mạnh, đây là đợt cải tổ cơ cấu điều hành cơ bản nhất trong lịch sử 65 năm của IMF và là sự thay đổi tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước tới nay theo hướng có lợi cho thị trường mới nổi và các nước đang phát triển nhằm thừa nhận vai trò ngày càng quan trọng của họ trong nền kinh tế toàn cầu. Ông khẳng định những thay đổi trong nền kinh tế toàn cầu giờ đây sẽ được phản ánh qua những thay đổi trong cơ cấu của IMF.

Theo giới quan sát, các nền kinh tế mới nổi ngày càng có thêm ảnh hưởng trong IMF, song sự thay đổi ngày 5/11 có ý nghĩa quan trọng nhất tính tới thời điểm này. Đó là sự khởi đầu cho công cuộc cải tổ mạnh mẽ và toàn diện định chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới ra đời sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tiến tới xác lập một trật tự kinh tế toàn cầu mới. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vừa qua đã bộc lộ những góc khuất trong nền kinh tế toàn cầu, đồng thời cho thấy sức mạnh tiềm ẩn của các nền kinh tế mới nổi. Trong giai đoạn hậu khủng hoảng, tiến trình phục hồi tại các nước phát triển đang diễn ra khá chậm chạp và có dấu hiệu chững lại. Trái lại, các nền kinh tế mới nổi với những gương mặt xuất chúng như Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin, các đại diện trong ASEAN đang vươn lên mạnh mẽ, trở thành đầu tàu vượt “bão” của thế giới. Thực tế này đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nền kinh tế thế giới, đặt ra nhu cầu điều chỉnh cơ cấu để các nước mới nổi có tiếng nói lớn hơn trong các thể chế tài chính quốc tế, cụ thể là IMF và người em song sinh Ngân hàng Thế giới (WB). Từ khi ra đời trong thập niên 1940, hai thể chế này gần như là độc quyền của các nước phương Tây. Song, thời thế đã thay đổi và điều chỉnh cơ cấu theo hướng cho phép các nước đang phát triển quyền đại diện xứng đáng hơn trong hệ thống điều hành nền kinh tế thế giới là tất yếu.

Quyết định này cũng là một mũi tên hướng tới nhiều đích. Giới phân tích nhận định cải tổ ban lãnh đạo IMF sẽ mở đường cho những bước đột phá làm giảm tình trạng căng thẳng trên toàn cầu do mất cân bằng thương mại. Với nhiều đại diện hơn trong ban lãnh đạo IMF, các nước đang nổi lên sẽ phải thể hiện tinh thần trách nhiệm lớn hơn đối với nền kinh tế toàn cầu và "sẵn lòng hơn" trong việc giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại gây biến động tiền tệ và đe dọa thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ.

Thỏa thuận này tránh nới rộng khoảng cách giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang nổi lên, và tránh được kết cục hỗn loạn của một cuộc họp, trong đó Mỹ đã không thuyết phục được Trung Quốc và các nước khác chấp nhận các mục tiêu hạn chế mất cân bằng tài khoản vãng lai. Thỏa thuận này cũng làm G-20 không mất uy tín, mở đường cho các nguyên thủ quốc gia đưa ra các quyết định khó khăn hơn để giải quyết vấn đề mất cân bằng thương mại tại hội nghị thượng đỉnh ở Xơun (Hàn Quốc) trong ngày 11 và 12/11 tới.

Youssef Boutros-Ghali, Bộ trưởng Tài chính Ai Cập, Chủ tịch Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế thuộc IMF, cho rằng các vấn đề trong nền kinh tế thế giới không thể được giải quyết nếu không công nhận ảnh hưởng ngày càng lớn của các nền kinh tế đang nổi. Ông nói: “Thỏa thuận này là cần thiết để chúng ta có thể đạt được tiến bộ. Đây là điều kiện cần, không phải là điều kiện đủ, cho bất kỳ cuộc cải cách nào trong tổ chức này trong tương lai.”

Các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này sẽ tăng tính hợp pháp của IMF vào thời điểm mà tổ chức này được trao một vai trò lớn hơn trong giám sát nền kinh tế toàn cầu. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, IMF đã chứng tỏ mình là một tổ chức cho vay hiệu quả, song thể chế này vẫn cần phải cho thấy khả năng thuyết phục các nước của mình trong các vấn đề gai góc hơn, như chính sách hối đoái và mất cân bằng tài khoản vãng lai.

Hồ Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN