Theo ông Hoàng Thế Hùng, Bí thư Huyện ủy huyện Văn Bàn, Lào Cai: Tuy không còn thôn, bản trắng đảng viên, nhưng nguy cơ “tái ghép”, “tái trắng” đảng viên và chi bộ khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa thời gian tới là rất lớn. Nguyên nhân chính là do phần đông thanh niên nông thôn đến tuổi trưởng thành đều thoát ly gia đình đi làm ăn xa, nên rất khó khăn trong công tác tạo nguồn phát triển Đảng; một số nơi, vai trò của cấp ủy cơ sở chưa được phát huy...
Vì vậy, trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ huyện Văn Bàn xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải coi trọng công tác tạo nguồn phát triển đảng viên mới đi đôi với bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, năng lực lãnh đạo, tập hợp quần chúng của cán bộ đảng viên, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đào tạo ngành nghề, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn.
Đảng bộ huyện Văn Bàn hiện có 286 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở (tăng 76 đơn vị so với năm 2005); các cơ quan, đơn vị, thôn, bản, tổ dân phố đều có đảng viên. Bình quân mỗi năm, số lượng đảng viên mới tăng 6,5%. Đến nay, toàn Đảng bộ có 3.500 đảng viên, tăng 900 đảng viên so với năm 2005. |
Văn Bàn là địa phương có tới hơn 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, nền kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển nông, lâm nghiệp và sản xuất, chế biến các mặt hàng lâm sản nhưng lại gặp không ít khó khăn do thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, sản lượng khai thác và chế biến lâm nghiệp, năng suất cây trồng đạt thấp. Trong khi đó, ngành nghề truyền thống ít, duy trì sản xuất không đồng đều nên đời sống của một bộ phận người dân trong huyện còn khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác phát triển Đảng.
Lực lượng lao động là thanh niên sau khi tốt nghiệp THPT, một số đi học cao đẳng, đại học, thanh niên là nữ bận việc gia đình, ít quan tâm phấn đấu vào Đảng nên nhiều nơi hết nguồn... Tình trạng trên khiến không ít đảng bộ, chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên nào, hoặc kết nạp ít, phải sinh hoạt ghép với các chi bộ nhà trường, ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ cơ sở.
Đảng bộ xã Hòa Mạc là một trong những đảng bộ nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh trong số hàng chục Đảng bộ cấp cơ sở của huyện Văn Bàn. Đảng bộ xã có trên 10 chi bộ trực thuộc, nhưng có tới 1/2 chi bộ sinh hoạt ghép. Ngay như Thôn Chín, xã Hòa Mạc, có trên 1.000 nhân khẩu đều là người dân tộc Tày, hàng trăm thanh niên ở độ tuổi trưởng thành mỗi năm, nhưng việc tạo nguồn phát triển đảng vẫn rất khó khăn vì đa số thanh niên nông thôn lớn lên đều có nguyện vọng "ly hương" tìm việc làm.
Vì vậy, năm 2010, Thôn Chín chỉ kết nạp được 2 đảng viên nữ ở tuổi ngoài 25. Ông Hà Đình Chiên, Bí thư Đảng bộ xã Hòa Mạc cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc phát triển đảng ở nông thôn hiện nay vẫn là các chương trình tạo việc làm cho người lao động nông thôn. Nếu không có việc làm, thì không thể giữ chân họ ở lại quê hương làm ăn sinh sống cho dù có làm tốt công tác vận động.
Để khắc phục tình trạng trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ (2011-2015), Đảng bộ Văn Bàn đã ban hành nghị quyết về công tác phát triển đảng viên và xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng đảng viên, quyết tâm ‘xóa’ bản trắng và chi bộ sinh hoạt ghép”. Quá trình thực hiện, Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp chặt chẽ với các ban xây dựng Đảng kịp thời tham mưu giúp Ban Thường vụ chỉ đạo các cấp ủy tiến hành rà soát, thống kê những thôn, bản chưa có đảng viên cũng như số chi bộ Đảng sinh hoạt ghép để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng bộ huyện, đảng bộ 17 xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng kế hoạch công tác phát triển Đảng, phân công nhiệm vụ cho từng chi bộ và đảng viên có trách nhiệm phát hiện, bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng, coi đây là một trong những chỉ tiêu xem xét, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên hàng năm. Đối với những thôn, bản không đủ điều kiện thành lập chi bộ, đảng ủy xã chuyển những đảng viên ở chi bộ thôn gần đó đến tham gia sinh hoạt để đủ điều kiện thành lập chi bộ mới.
Đặc biệt, tại những thôn, bản trắng đảng viên và chi bộ sinh hoạt ghép như các xã: Nậm Xây, Nậm Xé, Nậm Tha, Dần Thàng, Thi Phúng, Liêm Phú và một số thôn, bản vùng sâu khác..., Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo đoàn thanh niên trực tiếp về các làng, bản phối hợp với đảng ủy xã, trưởng thôn, bản làm công tác tuyên truyền, vận động gắn với phát động thi đua, phát hiện nhân tố tích cực và mở các lớp bồi dưỡng đối tượng Đoàn, khi đủ điều kiện giới thiệu, tạo nguồn phát triển Đảng... Với cách làm trên, từ nay đến 2015, Văn Bàn phấn đấu sẽ "xóa" chi bộ sinh hoạt ghép, “xóa” bản trắng đảng viên.
Cùng với khắc phục những khó khăn trong công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp Đảng (do chất lượng nguồn thấp, trình độ văn hóa hạn chế...), Đảng bộ huyện Văn Bàn quyết tâm lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển Đảng, đồng thời lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội, tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới cho người dân địa phương, kể cả những người đã thoát ly đi học có điều kiện trở về địa phương công tác, phấn đấu không để “tái ghép”, “tái trắng”, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và lâu dài để xây dựng Đảng vững mạnh.
Lục Văn Toán