Lễ khai giảng năm học mới ở trường tiểu học Chung Chải. |
Thầy giáo Lê Văn Nam, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, Lào Cai cho biết: Năm học này, trường có 722 học sinh, đều là dân tộc Mông, trong đó có hơn 200 em là con hộ nghèo. Ngay từ những ngày hè, cán bộ xã và nhà trường đã tới nhà vận động, tuyên truyền cho học sinh, nên đến thứ tư (ngày 9/9), tỷ lệ học sinh đến lớp đã đạt 96%. Những ngày qua, nhà trường đã tiếp tục phân công các giáo viên chủ nhiệm, sau khi kết thúc giờ học (16 giờ 30) đến nhà thăm nom, nắm tình hình, hoàn cảnh của từng em chưa đến lớp để vận động. Nếu em nào gặp khó khăn thì kịp thời có biện pháp tháo gỡ. Cũng chính nhờ những biện pháp trên, nên nhiều năm liền tỷ lệ chuyên cần của trường luôn đạt 95% trở lên.
“Giao thông xã Sàng Ma Sáo chỉ thuận tiện cho 4 thôn, 7 thôn còn lại chỉ sử dụng được phương tiện xe máy vào mùa khô, mùa mưa thì “cuốc bộ” cũng khó. Để các em đến trường đầy đủ là cả sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền và đoàn thể xã và sự nỗ lực lớn lao của nhà trường”, thầy Lê Văn Nam chia sẻ.
Học sinh trường Chung Chải đi học đầy đủ. |
Thầy giáo Nguyễn Minh Thu, Hiệu phó Trường THCS Tả Lèng, xã Tả Lèng, Tam Đường, Lai Châu cho biết: “Năm học này, trường có 281 học sinh. Ở độ tuổi này, học sinh miền núi đã trở thành lao động chính của gia đình, đi làm ở các nương lán xa, có em đã lấy vợ, lấy chồng. Để duy trì đủ sĩ số học sinh đến lớp đầy đủ đầu năm học, từ giữa tháng 7, nhà trường đã cử cán bộ, giáo viên cùng với cán bộ xã đến tận hộ gia đình có con em đi học để tuyên truyền, vận động. Đồng thời, ở thôn bản cũng có hương ước, quy định việc cho con em đi học, ai vi phạm sẽ có chế tài xử phạt, nên mấy năm gần đây tỉ lệ các em không đến trường giảm hẳn”.
“Đến nay, cấp tiểu học đã đạt 100% học sinh ra lớp, còn khối THCS đạt 95% học sinh chuyên cần. Để có được kết quả trên là do các trường đã bố trí đầy đủ nơi ăn ở cho học sinh bán trú. Các trường tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời để thu hút học sinh, đồng thời các giáo viên quan tâm đến những học sinh yếu kém để các em hòa nhập với các học sinh khác. Việc quan trọng nữa là thực hiện đầy đủ các chế độ cho học sinh, cụ thể là đã cấp đầy đủ gạo hỗ trợ cho các em ngay từ ngày đầu năm học”, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai đánh giá.
Theo Thầy giáo Lê Xuân Học, Hiệu trưởng trường THCS Long Hẹ, Thuận Châu, Sơn La, nhà trường tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú, nên đến nay, trường chỉ còn thiếu vài em ở bản xa trường chưa đến được do mưa làm sạt lở đường. Các em được ăn đầy đủ 3 bữa/ngày, đảm bảo dinh dưỡng.
Còn theo thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú Chung Chải, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đến sáng ngày 9/9, trường chỉ còn 14/854 em chưa đến lớp, do những ngày qua ở huyện có mưa to, nhiều tuyến đường bị sạt lở. “Chúng tôi đã cử giáo viên phối hợp với gia đình để bằng mọi cách đưa các em đến trường trong thời gian sớm nhất, thầy Khiêm chia sẻ.