Ngày nắng cũng như ngày mưa, gần 30 đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 9 ở trên núi Chứa Chan (xã Xuân Trường, Xuân Lộc, Đồng Nai) vẫn đều đặn thức dậy đến trường từ khi trời còn chưa sáng.
Những em nhà ở gần đỉnh núi đi học từ lúc 4 giờ 30 bởi các em phải vượt quãng đường dốc dài trên 2.700m, với khoảng 6.000 bậc tam cấp. Xuống đến chân núi lúc gần 6 giờ, từ đây các em được xe ôm chở đến lớp. Tan trường, hành trình của những đứa trẻ được lặp lại, có khác chăng, lúc này, những đôi chân mềm yếu phải gắng gượng để lên dốc.
Buổi chiều một ngày cuối tháng 8/2014, từ dưới chân núi Chứa Chan, chúng tôi theo chân những học sinh bước lên đỉnh núi. Em Trương Hiểu Lam, học sinh lớp 6/4, Trường THCS Lê lợi (xã Xuân Trường) giải thích: "Nhà cháu ở gần đỉnh núi, các chú đi không quen nên lên đến nơi ít nhất cũng mất gần 2 tiếng đồng hồ. Cứ đi cùng bọn cháu, khi nào các chú mệt ngồi nghỉ, cháu chờ".
Để có cái chữ những học sinh này đã vượt nhiều km đường khó khăn. Ảnh: ktdt.vn |
Đường lên núi với chúng tôi thực sự là cực hình, mỏi mệt nên những bậc tam cấp cứ nhòe dần trước mắt, gắng gượng được khoảng ¼ quãng đường, chúng tôi đề nghị Hiểu Lam ngồi lại, cháu cười rồi kể: "Các bạn cùng lớp đến nhà cháu một lần là sợ, không dám đến nữa. Ở lớp cô giáo hay khen cháu chịu khó, chăm chỉ, nhưng chỉ là đi nhiều thành quen. Ngày cháu học lớp 1, do còn nhỏ nên 3 giờ 30 phút sáng là bắt đầu đi xuống núi. Ngày đó đi học còn phải dùng đèn pin để soi đường, những hôm trời mưa to bố mẹ khuyên cháu nghỉ học nhưng cháu không chịu, chỉ khi ốm nặng mới nghỉ học". Đường đến trường cực nhọc nhưng năm nào Hiểu Lam cũng là học sinh khá, giỏi.
Theo lời người dân, từ đầu những năm 1990, khi thấy khách du lịch đến núi Chứa Chan ngày một nhiều, những hộ dân trong vùng đã mua đất hai bên đường dẫn lên núi rồi mở cửa hàng buôn bán, định cư luôn ở đó.
Trước đây, trẻ con đi học phải dùng đèn soi để thấy đường, khoảng 5 năm gần đây hai bên đường lên đỉnh núi người dân buôn bán nhiều, đèn điện nhà dân luôn bật, học sinh nhờ đó không phải dùng đèn để đi học. Đường đến trường dù xa xôi, cách trở nhưng từ trước đến nay trẻ con núi Chứa Chan đa số đều có thành tích học tập khá, giỏi và không bao giờ bỏ học.
Gia đình những học sinh ở núi Chứa Chan bố mẹ đều làm nghề buôn bán, chỉ những dịp lễ, Tết thu nhập của họ mới khấm khá, cuộc sống chỉ đủ ăn hàng ngày. Anh Trương Vă n Thiếp (bố Hiểu Lam) tâm sự: Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình ít người nên từ trước đến nay trẻ con ở đây từ lớp 1 là tự mình xuống núi đi học cho đến hết lớp 9. Nhà nào có con cũng phải thuê xe ôm ở chân núi, mỗi tháng trả họ 350.000/học sinh. Để tiết kiệm, có gia đình đã thử mua xe đạp, gửi ở chân núi cho con tự đi nhưng từ chân núi đến trường gần 7km, các cháu sau khi đi bộ quãng đường dài không đứa nào đủ sức đạp xe. Bước sang bậc THPT, do trường quá xa, các gia đình phải cho con ở nhà người thân, thuê trọ gần trường.
Anh Nguyễn Xuân Lộc có haicon sinh đôi là Nguyễn Thành Lãm và Nguyễn Thành Lễ, năm nay bắt đầu vào lớp 1. Từ giữa tháng 8, Lễ và Lãm đã phải thức dậy giữa đêm khuya, 2 em tự chuẩn bị “hành trang” và xuống núi từ hơn 4 giờ sáng. Tuần đầu đi học, cặp song sinh cần gần 2 giờ đồng hồ mới đến được chân núi. Tuy nhiên, núi Chứa Chan với thế chót vót, có độ cao 837m so với mặt đất và 1.800m so với mặt biển – là ngọn núi cao thứ 2 Đông Nam bộ, đường leo núi về nhà với đôi trẻ mới lắm gian nan. Cháu Thành Lãm nhớ lại: Đi học cháu rất vui nhưng tan học, leo núi về nhà là cháu sợ. Những ngày đầu 2 anh em mỗi khi lên núi phải ngồi nghỉ hơn 10 lần, đi rất mệt song cháu phải cố gắng, một thời gian sẽ quen, các anh chị trước đi được, anh em cháu cũng không thua.
Thương con nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng anh Lộc đành chịu. Anh Lộc cho biết: Tuần đầu 2 đứa đi học về là nằm, bỏ cơm tối, cháu Lễ còn bị sốt cao. Tôi đã tính cho con thêm tuổi nữa rồi mới đi học nhưng hai đứa không chịu. Giờ chỉ mong 2 đứa sớm học hết lớp 1, càng lớn sức khỏe chúng càng tốt, khi đó lên, xuống núi cũng dễ dàng hơn. Cứ an ủi 2 con là đi lâu rồi sẽ quen, thực ra ở đời có ai muốn quen với cực nhọc, chỉ là phải chấp nhận. Từ dưới chân núi lên đỉnh có 110 hộ dân sinh sống, chẳng ai có đủ khả năng xây dựng trường để đảm bảo thuận tiện cho mọi học sinh.
Phải vượt lên hoàn cảnh để đi học, đó là ý chí, là suy nghĩ âm thầm nhưng mạnh mẽ của những đứa trẻ sống trên núi Chứa Chan. Lãm, Lâm, Hiểu Lam và những đứa trẻ khác sẽ còn phải leo núi nhiều, rất nhiều giờ đồng hồ để đến trường. Trước các em, nhiều anh, chị sống trên núi đã học hết cấp 3, vào đại học, đây là động lực, tấm gương để các em noi theo.
Công Phong