Bà Nguyễn Xuân Thảo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) trả lời báo chí. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Nghị định của Chính phủ về cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài, nhằm tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công theo chủ trương của Chính phủ tại Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 14/2/2015.
Theo bà Thảo, giai đoạn 2004 - 2015, Việt Nam vay nước ngoài khoảng 45 tỷ USD; trong đó, khoảng 15,51 tỷ USD (chiếm 35%) cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương, số còn lại là chi cho các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Trong phần chi cho địa phương, có tới 92,2% số vốn được chi dưới dạng vốn cấp phát, chỉ 7,8% nguồn vốn được cho địa phương vay lại.
Do giai đoạn trước, có nhiều địa phương thực hiện dự án ODA chú trọng vào lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, hạ tầng nên không mang lại nguồn thu trực tiếp và thu ngân sách còn hạn chế. Do vậy, việc đẩy mạnh cho vay lại tại thời điểm đó cũng khó khăn. Nguồn vốn Chính phủ huy động được cũng có ưu đãi cao, lại thêm cho địa phương vay chưa hợp lý, nên việc cho vay lại thấp.
Tuy nhiên, tại thời điểm này, tình hình vay ưu đãi đã ít đi nên cũng cần phải có cơ chế mới, mặc dù, việc cho vay lại đối với các địa phương cũng không thể quá cao để họ khó có khả năng trả nợ. Việc cho vay lại đối với các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải đảm bảo tuân thủ hạn mức nợ, xem xét dòng tiền trả nợ hàng năm, để gánh nặng nợ của địa phương không bị quá lớn. Bởi thực tế, chỉ có 10% ngân sách địa phương là để dành cho việc trả nợ. Từng năm, Quốc hội sẽ xem xét mức vay đối với các địa phương, nên việc cho vay quá mức cũng là điều khó có thể xảy ra, bà Thảo cho biết.
Từ tháng 7/2017, Việt Nam không còn được Ngân hàng thế giới (WB) cho vay ưu đãi theo điều kiện ODA. Sau đó, dự kiến các đối tác khác cũng sẽ cắt dần ưu đãi vốn cho Việt Nam vì Việt Nam hiện đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên phải chuyển sang vay vốn theo điều kiện thị trường, ưu đãi ít hơn.
Bà Thảo cũng cho biết, việc huy động vốn ưu đãi từ nguồn bên ngoài cũng sẽ ngày càng giảm. Đó chính là lý do vì sao Việt Nam phải tăng cường hiệu quả sử dụng vốn vay; ưu tiên việc cho vay lại; đồng thời, gắn trách nhiệm người sử dụng vốn và người trả nợ. Địa phương nào không trả được nợ thì theo luật định, người vay có trách nhiệm trả nợ và bố trí vốn trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Nếu để nợ quá hạn trên 180 ngày, thì không được đề xuất và xem xét dự án cho vay lại từ vốn Chính phủ.