Sáng 22/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, tổng số kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 50.000 tỷ đồng. Đến tháng 11 các bộ ngành địa phương mới giải ngân đạt 74,9% kế hoạch. Nhiều nơi không có khả năng giải ngân.
Chính phủ dự kiến cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là hơn 5.800 tỷ đồng. Đồng thời đề xuất bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là trên 14.200 tỷ đồng.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, đến nay, đã sắp kết thúc năm 2016 song tiến độ giải ngân của nhiều bộ, ngành, địa phương đạt rất thấp so với kế hoạch đã giao. Cụ thể, có 10 bộ, ngành Trung ương và 26 địa phương đến hết ngày 30/11/2016 giải ngân dưới 50% kế hoạch. Một số bộ, ngành, địa phương được phân giao vốn song lại không có nhu cầu sử dụng; một số dự án chưa hoàn thành thủ tục, chưa bảo đảm điều kiện để phân bổ vốn; một số bộ, ngành không có khả năng thực hiện, giải ngân...
"Qua theo dõi, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, công tác quản lý, sử dụng vốn nước ngoài trong các năm qua còn nổi lên nhiều bất cập, bố trí vốn chưa sát với tình hình thực hiện, công tác điều hành, tổng hợp số liệu, đề xuất cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn còn chậm, chưa chặt chẽ", ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, trong bối cảnh huy động vốn đầu tư, đặc biệt là vốn vay gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án cấp thiết đang cần được bổ sung vốn để hoàn thiện thì tình trạng không giải ngân, đọng vốn chủ yếu xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan là biểu hiện lãng phí, kém hiệu quả, trong sử dụng vốn.
Bên cạnh đó, qua rà soát, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nhận thấy, nhiều địa phương giải ngân vượt mức vốn kế hoạch được giao (Tuyên Quang 196,3%; Bắc Kạn 126,7%; Ninh Bình 332%, Hà Giang 155,3%, TP Hồ Chí Minh 224,9%). Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ lý do nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân vượt mức vốn kế hoạch được giao (do cam kết theo Hiệp định với nước ngoài hay do công tác thống kê, tổng hợp số liệu chưa thống nhất giữa Trung ương và địa phương) đồng thời đề xuất giải pháp xử lý, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đầu tư công.
Qua thẩm tra, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách thống nhất với các nguyên tắc, tiêu chí cắt giảm kế hoạch vốn và kết quả rà soát, cắt giảm vốn như Chính phủ trình với tổng số vốn dự kiến cắt giảm là 5.854,91 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh như phương án Chính phủ trình còn mang tính cơ học. Việc cắt giảm, điều chuyển vốn phải căn cứ vào khả năng giải ngân của từng dự án để đảm bảo tính hợp lý, sát thực tế. Việc cắt giảm vốn nếu chỉ căn cứ vào số liệu báo cáo tiến độ giải ngân chung của bộ, ngành, địa phương (với số vốn Chính phủ chỉ đạo cắt giảm là 2.920,14 tỷ đồng) sẽ dẫn đến tình trạng một số dự án đang có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt, cần tiếp tục đầu tư, hoàn thành sẽ bị thiếu vốn, dở dang.
Về bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách tán thành chủ trương điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 theo Tờ trình của Chính phủ.
Theo đó, phân bổ, điều chỉnh 7.154,91 tỷ đồng để bổ sung vốn cho các bộ, ngành, địa phương đến ngày 30/11/2016 đã giải ngân từ 80% kế hoạch vốn nước ngoài trở lên theo thứ tự ưu tiên: Thứ nhất, các dự án kết thúc Hiệp định năm 2016 cam kết đến ngày 31/1/2017 giải ngân hết số vốn nước ngoài kế hoạch năm 2016. Thứ hai, các dự án kết thúc Hiệp định sau năm 2016 đã có khối lượng thực hiện, cần bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và cam kết đến ngày 31/1/2017 giải ngân hết số vốn dự kiến bổ sung, nhưng không được giao kế hoạch năm 2017 hoặc được giao kế hoạch năm 2017 nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Nhấn mạnh chỉ còn 9 ngày nữa là hết năm, mà Chính phủ mới trình điều chỉnh kế hoạch phân bổ vốn nước ngoài là chậm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong điều hành.
Theo Chủ tịch Quốc hội, không chỉ năm 2016 mà nhiều năm qua đều chưa khắc phục được việc giải ngân vốn Nhà nước chậm, công tác phân bổ, quản lý, sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập như chưa sát tình hình, thậm chí có đơn vị không có nhu cầu hoặc chưa đủ điều kiện vẫn phân bổ, một số nơi giải ngân vượt thì chưa được giải trình rõ nguyên nhân. “Đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân và có giải pháp chấn chỉnh để không lặp lại tình trạng này trong năm 2017”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.