Tai nạn giao thông: Nỗi đau vẫn tiếp diễn

Số lượng bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông vẫn tăng dần theo mỗi năm. Một điều đáng tiếc là nhiều nạn nhân tai nạn giao thông bị biến chứng nặng hơn, thậm chí tử vong do việc sơ cấp cứu ban đầu không đúng cách. Điều đó có thể thấy rõ tại Bệnh viện Việt Đức, nơi tiếp nhận gần 20.000 bệnh nhân tai nạn giao thông mỗi năm.

Phần lớn bệnh nhân cấp cứu tại BV Việt Đức là do tai nạn giao thông.


Số lượng tăng, thương tổn nặng


“Ước tính số ca tai nạn giao thông (TNGT) tại bệnh viện (BV) mỗi năm tăng lên khoảng 10%. Trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 100 - 150 bệnh nhân. Trong số đó khoảng 65% là do TNGT. Nhiều ca nhập viện trong tình trạng chấn thương sọ não, đa chấn thương; không ít trường hợp quá nặng không có khả năng cứu chữa nên gia đình đã phải xin về”, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Khoa Khám bệnh, BV Việt Đức, cho biết.

Tính riêng từ tháng 1- 6/2011, tại BV Việt Đức có 9.412 bệnh nhân phải nhập viện do TNGT, trong đó 3.139 người bị chấn thương sọ não, 159 chấn thương cột sống cổ. Số tử vong trước khi tới viện là 24 người, còn 374 bệnh nhân khác phải xin về vì bệnh quá nặng.

“Cách đây khoảng 5 năm, BV Việt Đức chỉ có một Phòng Hồi sức cấp cứu, gồm 3- 5 giường bệnh để cứu chữa cho bệnh nhân nặng. Nhưng nay, số giường này đã nâng lên 15 giường mà nhiều khi vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu điều trị, có ngày các BS phải phẫu thuật cho hơn 20 ca nguy kịch, nguy hiểm tới tính mạng. Điều này có thể thấy rõ ngay tại Phòng Hồi sức cấp cứu của BV”, cử nhân Nguyễn Xuân Vinh, Điều dưỡng trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch, BV Việt Đức, vừa đưa tôi xuống một nơi luôn điều trị cho bệnh nhân TNGT nặng vừa tâm sự.

Lúc này, trong phòng Phòng Hồi sức cấp cứu có 6 bệnh nhân thì cả 6 người đều do TNGT, người bị chấn thương ngực, người chấn thương cột sống, người bị đa chấn thương… “Chồng em bị tai nạn gần chục ngày nay rồi. Chẳng biết có sống nổi không chị ơi”, chỉ nói được có vậy rồi chị Nguyễn Thị V., vợ bệnh nhân Nguyễn Văn H., vội quay vào tường, bụm miệng khóc.

Khi trấn tĩnh hơn, chị V. sụt sùi kể: “Chồng em đang ngồi ở quán nước, thế mà bị ô tô tông thẳng lên vỉa hè và đâm vào. Hậu quả là ba người bị thương, trong đó chồng em bị nặng nhất, bị thương tổn nặng ở não, ngực và cả ở phổi…”.

Do vết thương quá nặng nên dù đã được các bác sĩ BV Việt Đức tận tình cứu chữa nhưng gần 10 ngày nay, anh H. vẫn nằm bất động, sống nhờ vào hệ thống máy móc đặt xung quanh giường bệnh.

Chết oan vì sơ cứu không đúng cách

Theo nhiều BS tại BV Việt Đức, số lượng bệnh nhân TNGT tăng với mức độ thương tật trầm trọng hơn trước là điều vô cùng đáng tiếc. Nhưng điều đau xót hơn là vì thiếu ý thức và kiến thức sơ cứu ban đầu nên nhiều người bệnh TNGT đã bị chết “oan”.

“Tại BV Việt Đức, chỉ có 5 – 10% bệnh nhân được sơ cứu tại chỗ, một nửa số đó được sơ cứu nhưng sai kỹ thuật và vận chuyển tới viện không an toàn. Nhiều trường hợp gãy cột sống cổ, gãy khung chậu đã tử vong trước khi tới BV. 51% bệnh nhân ở Hà Nội và 55% ở Huế được chuyển đến viện bằng xe máy dân dụng”, GS Vũ Văn Đính, Chủ tịch Hội Hồi Sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, người rất trăn trở với công tác cấp cứu bệnh nhân trước khi tới BV cho biết.

Nhiều trường hợp khi thấy bệnh nhân bị thương tật nặng hơn, thậm chí bị tử vong oan do không được sơ cứu đúng cách, nhân viên y tế không cầm lòng được đã buột miệng, trách người nhà bệnh nhân. “Sau đó, chúng tôi cũng rất ân hận vì đã lỡ lời. Nhưng quả thực ức lắm, vì đáng nhẽ bệnh nhân được sống mà lại bị chết oan uổng”, một BS Phòng khám, BV Việt Đức, chia sẻ.

Để dẫn chứng, người BS giấu tên này kể cho tôi nghe về một trường hợp bị TNGT ở Nghệ An. Bệnh nhân xấu số này bị một vết thương rất nhẹ ở tay sau khi bị TNGT. Thế nhưng, do người nhà không biết cách sơ cứu, lấy dây cao su buộc chặt tay lại, sau đó băng bó qua loa, rồi chuyển thẳng bệnh nhân từ một xã vùng sâu của Nghệ An ra Hà Nội. Khi ra tới BV Việt Đức, bệnh nhân bị tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc. Khi các BS mở vết thương ra thì thấy vô cùng đáng tiếc vì đó chỉ là một vết thương nhẹ, chỉ cần chuyển vào cơ sở y tế tuyến huyện thôi là bệnh nhân được điều trị và ra viện ngay trong ngày!

Để hạn chế những sự việc đáng tiếc nêu trên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia y tế, bên cạnh việc triển khai các công tác chuyên ngành của các cấp, các ngành, điều quan trọng là cần sớm có một chiến lược truyền thông đặc biệt nâng cao nhận thức phòng ngừa TNGT, cung cấp kỹ năng sơ cứu cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi trong xã hội. Khi được trang bị kiến thức, người dân sẽ có ý thức hơn khi tham gia giao thông, dần thay đổi các hành vi nguy cơ và chủ động áp dụng các biện pháp sơ cứu khi xảy ra các sự cố TNGT. Như vậy, mới mong hạn chế các biến chứng và tử vong đáng tiếc do TNGT vẫn đang xảy ra hàng ngày, hàng giờ.

Bài và ảnh: Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN